Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4,13 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Không ít doanh nghiệp phải cắt giảm hàng ngàn lao động, sản xuất cầm chừng… Giá xuất khẩu giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao.
"Thức ăn hiện nay của mình, 50% phụ thuộc vào lượng nhập khẩu đậu nành. Hiện nhập khẩu đầu hành không ổn định do tác động địa chính trị của thế giới, ảnh hưởng đến tàu vận chuyển về Việt Nam", ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần chế biến thủy sản Gò Đàng, cho biết.
"Châu Âu họ giảm mua, tình hình giá cả thị trường chung họ cũng giảm. Bán thì giá thấp mà đầu tư thì cao, tất cả vật giá đều lên cao, nên người dân không nuôi, ảnh hưởng một phần về nguyên liệu", bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sông Tiền, cho hay.
Doanh nghiệp của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador, Ấn Độ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Dù có vùng nguyên liệu 300 ha và đầu tư cả nhà máy chế biến thức ăn cho cá công suất 450 tấn/ngày, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành vẫn chịu ảnh hưởng, thiệt hại do xuất khẩu giảm mạnh. 5 tháng đầu năm, công ty chỉ xuất khẩu hơn 11.000 tấn, với kim ngạch đạt 28 triệu USD, thấp hơn cùng kỳ khoảng 30%. Với hy vọng thị trường có thể hồi phục trong quý III tới đây, doanh nghiệp đang tập trung nỗ lực để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm đặt ra là 100 triệu USD.
"Không doanh nghiệp nào tránh khỏi khó khăn trong tình hình hiện nay. Đối với Đại Thành thì tất cả các khâu, Ban lãnh đạo quyết tâm rà soát lại các chi phí mà mình tiết giảm được để có giá thành tốt nhất, cung cấp cho khách hàng với giá tốt cũng như chất lượng tốt", ông Hàng Quốc Định, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, thông tin.
Cùng với cá tra, mặt hàng tôm xuất khẩu cũng giảm gần 36% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong quý I vừa qua, Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã bị lỗ gần 100 tỷ đồng.
Theo một số doanh nghiệp, tình trạng dư nợ ngân hàng quá hạn, buộc các doanh nghiệp giảm giá bán, có lúc giảm xuống còn một nửa. Đáng lo ngại, càng giảm giá, đối tác càng chậm đặt hàng, thậm chí ngưng mua, hệ lụy khó khăn càng lớn.
Trợ lực để doanh nghiệp thủy sản vượt khó
Khủng hoảng kinh tế chính là nguyên nhân khiến nhu cầu thủy sản sụt giảm. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp thủy sản cần phải đảm bảo nguồn tài chính, từ đó giúp duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng được nguồn nguyên liệu... để đáp ứng khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi.
Để có tiền thu mua nguyên liệu tích trữ, Hiệp hội Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%, lãi suất vay tiền đồng là dưới 7%; đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả.
Đặc biệt, VASEP cho rằng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cần được tung ra ngay để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu cho nông dân.
Dù tín hiệu thị trường đã cải thiện, nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ ra thách thức trong nửa cuối năm là cạnh tranh về giá thành và nguồn nguyên liệu. Đây là thời điểm doanh nghiệp nỗ lực cải thiện sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng.
"Đưa giá thành xuống. Thay vì họ ăn thủy sản, giá cao thì mình phối chế nông sản và thủy sản, phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng hiện nay", bà Dương Ngọc Kim, Tổng Giám đốc Khang An Foods, cho biết.
"Làm sao giảm được giá thành tôm nuôi trong nước. Phát huy được thế mạnh của ngành tôm là trình độ chế biến. Một yếu tố hết sức căn bản là không thể bán với bất kỳ giá nào", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói.
Những giải pháp hỗ trợ cho ngành thủy sản cần được triển khai ngay trong quý III này để các doanh nghiệp tích lũy nguyên liệu, còn không, nguy cơ đánh mất thị trường khi hồi phục đang hiển hiện. Bởi doanh nghiệp của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador, Ấn Độ.
Là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh lạm phát cao, khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng, như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá... có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường.
Dự kiến bắt đầu từ quý IV, vào các dịp lễ, tết, nhu cầu tiêu dùng tăng, xuất khẩu thủy sản sẽ có cơ hội phục hồi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!