Đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, thu hút xã hội hóa là cách thức đầu tư được áp dụng cho dự án này. Tiềm năng lớn từ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL đi Bắc Mỹ, châu Âu và hàng quá cảnh sẽ là lực hút hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trên thực tế, tại ĐBSCL đã có một số tuyến luồng để đón tàu tải trọng lớn vào các cảng dọc sông Hậu, tiếp nhận một phần hàng hóa của vùng. Khi hình thành cảng nước sâu, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, mỗi hệ thống cảng sẽ được phân chia phục vụ các thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu khác nhau.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình xây dựng phương án bổ sung cảng Trần Đề vào quy hoạch, không ít doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng hàng hóa thông qua và đã đăng ký đầu tư. Việc điều chỉnh quy hoạch bến Trần Đề vào hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ là bước đi đầu tiên về pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này sẽ là căn cứ cho việc thu hút vốn xã hội hóa xây dựng một cảng biển nước sâu trong tương lai gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!