Giá dầu sau một thời gian chạm ngưỡng 80 USD/thùng trước những lo ngại về lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran nay đã có chiều hướng hạ nhiệt. Giá dầu Brent ngày 27/8 đã tiếp tục giảm so với phiên giao dịch cuối tuần trước, xuống mức trên 75 USD/thùng. Giờ đây, những gì mà giới quan sát đang nhìn thấy là những biến động bởi lệnh cấm vận nhằm vào Iran nhiều khả năng sẽ không khiến giá dầu bị đẩy lên mức quá cao như những gì người ta lo ngại.
Những dự báo giá dầu có thể bị đẩy lên mức 120 USD/thùng hay 150 USD/thùng có thể sẽ chỉ là những lo lắng viển vông. Thực ra, những nhận định về mức giá cao quá mức như vậy không phải là không có cơ sở. Nhưng nền kinh tế thế giới lại đang bất ngờ gặp phải những nhân tố được ví như "gió xoay chiều".
Một trong những nhân tố đáng kể hơn cả được trang mạng Arabian Business chỉ ra là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến dự kiến sẽ khiến cho GDP của Trung Quốc sụt giảm 0,3 - 0,5%, còn Mỹ sụt giảm 0,25%, từ đe dọa tới đà tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng năng lượng toàn cầu.
Thực tế, xu hướng đi xuống của nhu cầu dầu toàn cầu đã không còn là dự báo. Một trong những minh chứng rõ ràng đang diễn ra trong thực tế đã được Thời báo Arab (Kuwait) chỉ ra. Đó là gần 7 triệu thùng dầu thô Biển Bắc đang ùn ứ ngoài khơi, trên những con tàu vận tải, trong suốt 2 tuần qua, không thể tìm được người mua. Càng đáng chú ý hơn khi mà số liệu trong 20 năm qua cho thấy, tháng 8 lại chính là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ của dầu thô Biển Bắc đạt mức cao nhất.
Iran thời gian qua xuất khẩu khoảng 2,5 triệu - 3 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường. Với các lệnh cấm vận, khả năng cao là lượng xuất khẩu của nước này rồi sẽ bị sụt giảm xuống còn chỉ khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày. Trước kia, người ta lo sự sụt giảm này sẽ để lại một sự thâm hụt lớn trong cán cân cung cầu của thị trường nhưng nay có vẻ những lo lắng đã được xua tan đi nhiều.
Báo Daily Star của Lebanon cho biết, theo tính toán của OPEC, nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2019 là 32,05 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC và một số nước xuất khẩu lớn trong tháng 7 vừa rồi đã đạt mức 32,32 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia mới đây đã lại tuyên bố cắt giảm khoảng 200 thùng dầu/ngày trước lo ngại về khả năng dư thừa dầu trên thị trường.
Các tính toán cho thấy sản lượng của OPEC và một số đối tác xuất khẩu dầu lớn năm 2019 sẽ tăng khoảng 2,13 triệu thùng dầu/ngày.
Theo trang mạng Albawaba Business (Kuwait), cùng với đà sụt giảm của như cầu, giá dầu sẽ còn phải đối mặt với sức ép không nhỏ, khi sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ đã đạt mức kỷ lục.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!