Tỷ lệ lao động thất nghiệp quý 3 tăng đột biến
Do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình lao động việc làm trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là công bố tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng mười năm qua, khoảng 1,8 triệu người.
Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Trong khi đó, từ tháng 7 đến 15/9, đã có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch.
Đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong số hơn 22000 doanh nghiệp, gần 18% bị thiếu lao động, có nơi như Bình Dương, tỷ lệ này là gần 37%, tập trung vào các ngành như điện tử, máy vi tính, may mặc, dệt, thiết bị điện...
Trong quý 3, việc làm ở khu vực chính thức sụt giảm gần 469.000 người.
Luân chuyển "3 tại chỗ" để chờ lao động trở lại
Những số liệu thống kê đã cho thấy nghịch lý trong cung - cầu lao động hiện nay. Nếu tỷ lệ thiếu việc làm trong quý 3 ở mức cao nhất trong vòng chục năm trở lại đây, thì phần lớn các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam lại thiếu lao động. Điều này một phần xuất phát từ việc gọi các lao động về quê tránh dịch trở lại nhà máy cũng rất khó khăn.
Biện pháp để duy trì sản xuất trong thời gian qua là "3 tại chỗ", nhưng sau một thời gian dài ở lại nhà máy 3 tại chỗ, nhiều công nhân đã mệt mỏi muốn trở về gia đình, còn các lao động ở bên ngoài lại muốn quay trở lại làm việc để có thu nhập.
Mặt khác, phương án "3 tại chỗ" cũng chỉ vận hành được 1/3 công suất. Trong khi chờ lao động trở lại, tỉnh Đồng Nai đã cho các doanh nghiệp thực hiện việc hoán đổi, bổ sung lao động.
Công ty Elite Long Thành (chuyên may quần áo thể thao) có gần 4.000 lao động. Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp chỉ có thể bố trí 1/3 lao động ở lại nhà máy làm việc. Do đó, đơn hàng từ nay đến cuối năm mới chỉ thực hiện được hơn 30%, nên doanh nghiệp đang gấp rút bổ sung thêm lao động.
"Tuần vừa qua chúng tôi đã bổ sung 300 lao động, chúng tôi vẫn cũng đang có kế hoạch bổ sung thêm 2 ngàn lao động nữa. Chúng tôi rất là vui khi được địa phương hỗ trợ cho chúng tôi thực hiện tái cơ cấu lại nhà máy, hoàn thành các đơn hàng của khách hàng từ đây đến cuối năm", ông Philip Chien, Phó Tổng Giám đốc Công ty Elite Long Thành, Đồng Nai, cho biết.
"Tôi rất vui mừng khi được công ty cho quay lại làm việc vì có thêm thu nhập. Trong thời gian ở nhà không có kinh tế, nên cuộc sống gia đình vất vả", chị Nguyễn Thị Sâm, công nhân Công ty Elite Long Thành, Đồng Nai, chia sẻ.
Công ty TNHH Daikan Việt Nam cũng vừa hoán đổi một số lao động mới vào làm việc để thay thế cho một số công nhân đang làm việc "3 tại chỗ" trở về nhà.
"Khi chúng ta tập hợp 3 tại chỗ thì chúng ta phải có vùng đệm. Ngày đầu tiên tập hợp lại, công ty cho test nhanh để xác định các bạn đó không bị nhiễm virus. Ngày thứ ba, công ty cho test PCR và ngày thứ bảy cho test PCR tiếp. Sau 3 lần test, nếu âm tính công ty mới cho vào", ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, Đồng Nai, cho hay.
100 doanh nghiệp 3 tại chỗ đã được hoán đổi, bổ sung hơn 50.000 lao động. Đây là những lao động ở các vùng xanh, đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine sau 14 ngày và là những người đã khỏi bệnh COVID-19 được quay trở lại tham gia sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" hoặc đi - về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên với những trường hợp di chuyển từ nơi làm việc đến nơi cư trú, không được đi vào các "vùng đỏ", tránh đưa dịch bệnh vào nhà máy cũng như làm lây lan dịch bệnh ra bên ngoài.
"Doanh nghiệp phải có phương án giám sát công nhân. Hiện nay, các doanh nghiệp của một số tập đoàn người ta có phương án thông qua cái hệ thống công nghệ thông tin để giám sát cũng như có những quy định trong nội bộ công ty, nếu người công nhân không tuân thủ sẽ không được đi làm", Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Lê Văn Danh nhận định.
Với việc luân chuyển công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", Đồng Nai không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mà còn trực tiếp giải quyết bài toán an sinh xã hội cho người lao động, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động trước mắt
TP Hồ Chí Minh cần khoảng 56.000, Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động trong quý 4. Đó là tín hiệu tích cực với thị trường lao động cuối năm.
Mục tiêu trước mắt để công nhân tại chỗ an tâm sản xuất, từ đó tạo được niềm tin với những người lao động đã về quê tránh dịch trở lại làm việc. Nhiều giải pháp để bù đắp thiếu hụt lao động trước mắt đang được các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý tính đến.
Hiện nhiều người lao động muốn tăng thêm giờ làm do thời gian qua các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Hàng trăm nghìn lao động đã trở về quê tránh dịch từ tháng 6. Trong khi chờ họ trở lại, công ty Pouyen - nơi có tới 60.000 lao động đã nỗ lực giữ công nhân bằng cách duy trì trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội cho hàng chục nghìn lao động.
"Khi công nhân được đi là trở lại, công ty đã chuẩn bị đủ xe để đưa đón công nhân", Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp cho biết.
Để lao động yên tâm khi quay lại nhà máy, nhiều doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội; đồng thời đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cách ly điều trị ngay khi phát hiện ca mắc.
Mặt khác, trong bối cảnh này, nhiều người lao động đang muốn tăng thêm giờ làm do thời gian qua các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, thu nhập của lao động giảm mạnh. Phần lớn mong muốn được làm thêm từ 1 - 2 giờ mỗi ngày.
Nỗ lực giữ lao động ngoại tỉnh, không về quê tránh dịch đang là một biện pháp được nhiều địa phương thực hiện, bởi khi dịch bệnh được kiểm soát, cơ hội việc làm của họ ngày càng lớn. Khi đó, cung - cầu lao động sẽ cân bằng.
Đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường lao động. Vaccine và mở cửa đi lại vẫn là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo ổn định nhân lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!