Giảm phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất

Thúy Lan-Thứ năm, ngày 22/06/2023 05:53 GMT+7

VTV.vn - Việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các DN phải thực hiện trong thời gian tới.

Hàng nghìn doanh nghiệp phải kiểm kê phát thải khí nhà kính

Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay, theo Nghị định 06, trên 1.900 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Đây chính là tiền đề quan trọng cho giai đoạn từ năm 2026 - 2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các doanh nghiệp, bộ, ngành.

Để vận hành hệ thống lò hơi 24/24, Công ty CP Công nghệ cao Traphaco dùng nguyên liệu đầu vào là viên nén mùn cưa thay cho than cám. Nhờ có hoạt động kiểm kê, lần đầu tiên họ đã xác định được lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động này khoảng 6.000 tấn khí và là nguồn phát thải lớn nhất của họ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để họ đổi mới công nghệ thích nghi với quy định mới về phát thải khí nhà kính.

"Theo số liệu của chúng tôi cùng với các chuyên gia đầu ngành thống kê, hiện chúng tôi cũng đã giảm được lượng khí thải carbon 10% so với công nghệ sử dụng than cám", ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Traphaco, cho biết.

Giảm phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất - Ảnh 1.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải cắt giảm tối thiểu trên 563 triệu tấn khí CO2. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Phương pháp kiểm kê đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, dựa vào số liệu các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như than, xăng, dầu, điện… để quy đổi ra được lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, để xác định lượng phát thải một cách chính xác, cần minh bạch thông tin trên.

"Chúng tôi đã khuyến nghị các doanh nghiệp, trong những lần kiểm kê tiếp theo, chúng ta cần ghi chép đầy đủ, có sự minh bạch, chứng minh được việc chúng ta sử dụng năng lượng đó, vì nó liên quan đến việc mua bán tín chỉ carbon, liên quan đến tiền nên cần phải minh bạch", anh Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Dự án, Công ty Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS), cho hay.

Từ việc kiểm kê phát thải khí nhà kính, Công ty CP Công nghệ cao Traphaco cũng sẽ lên lộ trình để cắt giảm, từ đó xác định được chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới.

"Bộ, ban, ngành và Chính phủ có thể có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đi đầu trong việc kiểm kê khí nhà kính", ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Traphaco, nói.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải cắt giảm tối thiểu trên 563 triệu tấn khí CO2 tương đương. Trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phải cắt giảm nhiều nhất.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nỗ lực hấp thụ khí nhà kính

Theo các doanh nghiệp, cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất chính là 3 bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero. Điều đáng nói, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn việc trồng cây, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường.

Bắt đầu từ năm 2016, Masan High-Tech Materials bắt đầu trồng cây trên vùng đất đá thải ra sau khi khai thác khoáng sản. Đến nay, họ đã phủ xanh được khoảng 58 ha khắp khu vực của dự án. Đây được coi là một phần hấp thụ carbon để họ có thể theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới.

Theo tính toán lượng hấp thụ carbon của 40 ha cây xanh trồng ngay tại khu mỏ đạt trên 5.000 tấn. Mặc dù đây là năm đầu tiên họ phải kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng việc giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon đã nằm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp từ lâu.

"Việc trồng cây giúp cải tạo, phục hồi môi trường, hấp thụ khí CO2. Chúng tôi hy vọng từ việc nhỏ nhất, đến việc phục hồi môi trường, chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu Net Zero", ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Masan High-Tech Materials, cho biết.

Sau khi hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh, mới đây Vinamilk tiếp tục triển khai việc trồng cây để trung hòa carbon, hướng tới mục tiêu Net Zero. Mục tiêu của họ là cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035.

"Dự kiến trong 5 năm tới chúng tôi trông được 2 - 3 triệu cây xanh. Sẽ bắt đầu trồng cây mắm. Cây mắm hấp thụ CO2 rất tốt. Ngoài tán cây hấp thụ CO2, rễ cũng hấp thụ CO2 rất tốt. Đồng thời giữ đất cho người nông dân", ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Khối Sản xuất, Trưởng dự án Net Zero, Vinamilk, cho hay.

Theo quy định, trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Như vậy, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới.

Xu hướng sản xuất trung hòa carbon Xu hướng sản xuất trung hòa carbon

VTV.vn - Thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải carbon... là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước