Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Đôn đốc triển khai để không chậm trễ, lãng phí nguồn lực

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/02/2022 15:04 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 11 được ban hành vào những ngày Tết Nguyên đán và gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng là những chính sách đang được người dân, DN chờ đợi đi vào thực tế.

Trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng có tới hơn nửa là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là số tiền không nhỏ nên hiện có không ít lo ngại là làm sao có thể giải ngân đúng thời điểm, đúng tiến độ để phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn này.

Một lần nữa vấn đề có tiền, nhưng làm sao để tiêu được tiền lại được đặt ra. Theo nhiều nhà thầu xây dựng, gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế là một tin vui đối với họ. Tiền đã được phê duyệt, nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là phải triển khai các gói hỗ trợ nhanh và đồng bộ.

Chẳng hạn việc khai thác vật liệu để triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, nhiều địa phương hiện vẫn chậm trễ cấp phép.

"Các tỉnh có thể tháo gỡ được việc phê duyệt các mỏ vật liệu đất. Đây sẽ là thời gian vàng cho việc thi công cao tốc Bắc - Nam, bởi công tác nền không thể thi công trong mùa mưa, mà chúng ta cần phải tranh thủ mùa khô của đầu năm để kết thúc việc thi công nền, sau đó mới chuyển sang thi công mặt đường", ông Nguyễn Khắc Mẫn, đại diện Ban Quản lý dự án 1, Tổng Công ty Vinaconex, cho biết.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Đôn đốc triển khai để không chậm trễ, lãng phí nguồn lực - Ảnh 1.

Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: TTXVN)

Năm nay, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam gồm 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công tiếp tục được triển khai. Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc phân chia hợp lý giá trị của các gói thầu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng có động lực tham gia, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân.

"Vừa qua, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng trong việc phân định các gói thầu nên từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng thì vừa sức với các nhà thầu Việt Nam và cũng phù hợp với quy mô vốn của các doanh nghiệp giao thông hiện nay", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay.

Việc tích cực tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn.

Hỗ trợ đến vào đúng thời điểm rất quan trọng bởi nếu một chính sách chậm được triển khai thì sẽ lạc lõng với thời cuộc và lãng phí nguồn lực. Việc chậm trễ như vậy đã từng diễn ra và cũng khó có thể nói nó còn tiếp tục diễn ra với những chính sách vừa mới được ban hành hay không khi tư duy, cách thức thực hiện chính sách vẫn chưa thay đổi.

Khẩn trương đưa các gói phục hồi kinh tế vào cuộc sống

Khi nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên cả nước lên phương án dạy và học trực tiếp trở lại, nhưng việc xây dựng cơ chế cho học sinh, sinh viên vay vốn ưu đãi mua máy tính phục vụ học trực tuyến giờ mới được tiến hành. Chính sách luôn có độ trễ so với diễn biến dịch.

"Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay với học sinh để mua máy tính, hay vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, và đang khẩn trương tính toán nhu cầu nguồn lực trình Thủ tướng ban hành quyết định về tăng bảo lãnh Chính phủ để Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành trái phiếu trong nước cho các đối tượng chính sách vay vốn", ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, cho biết.

Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, có 240.000 tỷ được lấy từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách. Bộ tài chính cho biết, nguồn vốn luôn sẵn sàng, giờ chỉ chờ các gói hỗ trợ được thông qua là có thể giải ngân ngay.

Còn cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, việc đưa nhanh nguồn vốn này ra sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp họ có thêm cơ hội, nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Khi chúng ta bơm số lượng tiền ra, bản thân doanh nghiệp được nhận dòng vốn rẻ, giúp chủ động trong việc nhập các nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất vận hành. Khi đưa ra các gói tín dụng, các ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn đưa ra những điều kiện cho vay ưu đãi với lãi suất hợp lý hơn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định.

Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra các mục tiêu cụ thể với thời hạn thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 nên việc tổ chức triển khai nhanh chóng để đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống là quan trọng nhất.

Đôn đốc triển khai các chính sách

Người dân và doanh nghiệp đang chờ mong những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nhanh chóng được thực hiện. Chậm một ngày là cơ hội sẽ mất đi, khó lấy lại được, chính vì vậy ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đôn đốc việc triển khai các chính sách này.

Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội về chính sách tài khóa phục hồi kinh tế ngày 16/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, cần phân bổ nguồn lực phù hợp, hài hòa, tránh cơ chế "xin - cho", không để xảy ra sai sót, vi phạm, triển khai chậm là bất lợi cho người lao động, cho đất nước.

Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022 bố trí thực hiện giải ngân bổ sung.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Đôn đốc triển khai để không chậm trễ, lãng phí nguồn lực - Ảnh 2.

Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, có 240.000 tỷ được lấy từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị gắn với thời gian cụ thể. Theo thống kê, hiện có 18 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì, còn 13 nhiệm vụ Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội.

Thời gian chính là một nguồn lực quan trọng trong tổng thể các nguồn lực để phục hồi kinh tế - xã hội qua thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19. Khi nào mỗi một cơ quan bộ ngành, vị trí làm việc đều coi việc nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách sáng tạo và trách nhiệm để hiện thực hóa các chính sách vào cuộc sống, tác động vào quá trình phục hồi của nền kinh tế là việc được ưu tiên, khi đó chính sách sẽ phát huy được tác dụng của mình.

Trong bối cảnh toàn thế giới nói chung vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh và nhiều bất ổn, việc nắm bắt thời cơ, phục hồi nhanh chóng sẽ giúp Việt Nam vượt lên nhanh hơn, chủ động hơn.

Nghị quyết 11, gói phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, bao phủ toàn diện từ phòng chống dịch bệnh, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, cải cách thể chế được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, nhưng chậm ngày nào là giảm hiệu quả, mất cơ hội phục hồi ngày đó

Với các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội đã được ban hành, việc thực hiện phải tăng tốc ra sao? Những chính sách được đưa ra gần đây thường gắn trách nhiệm chi tiết cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, có mốc thời gian và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên để thay đổi sức ỳ và động viên được sự sáng tạo mạnh bạo trong thực hiện chính sách, cần phải cân bằng giữa khen và phạt ra sao?

Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Sự kiện và bình luận tuần này với sự tham gia của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội khóa XV và ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mời quý vị cùng theo dõi video trên!

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi kinh tế Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

VTV.vn - Giảm thuế VAT, tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay và đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… chương trình phục hồi kinh tế đang được triển khai quyết liệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước