Hà Nội phát triển mạnh kinh tế tập thể

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 14:11 GMT+7

VTV.vn - Khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mới và tiếp tục là hình mẫu trong phát triển kinh tế tập thể của cả nước.

20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể đã góp phần làm kinh tế thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Kinh tế Thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng khá, tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã.

Đến nay, Thành phố đã tiếp tục nỗ lực đổi mới phương thực thực hiện, trên tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chị An gắn bó với những ruộng rau thôn Đông Cao từ những ngày còn theo cha mẹ, cô bác ra đồng. Mấy chục năm gắn bó với từng tấc đất ở đây, chị chứng kiến đủ mọi thăng trầm, từ ngày đất đai còn hoang hoá khô cằn. Khó ai hình dung được ngày hôm nay, cũng trên mảnh đất ấy lại trở thành những cánh đồng sạch kiểu mẫu của Thủ đô.

Bà Lê Thị An - Xóm 2, thôn Đông Cao, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Phân sinh học rồi thuốc sinh học, bây giờ không như ngày xưa, ngày xưa mình cứ đánh ào ào nhưng bây giờ cộng tác với hợp tác xã nên khác, nó tiêu chuẩn hơn và rất hiệu quả".

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, huyện Mê Linh, Hà Nội chia sẻ: "Có những lớp tập huấn 100 đến 200 người, trực tiếp chỉ đạo trên hội nghị để sản xuất nông nghiệp. Nhất là dùng các loại thuốc phân bón trừ sâu để tránh tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nông dân. Chúng tôi hầu như yêu cầu 100% lần lượt các hộ đều phải có trách nhiệm đi tập huấn".

Thôn Đông Cao có 100 hộ dân tiên phong tham gia mô hình "Cánh đồng sạch", mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 400-500 tấn rau, quả hữu cơ, thu nhập mỗi người gần 100 triệu đồng/ năm. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống thực sự thịnh vượng của những miền quê, không đánh đổi mọi giá để làm giàu, mô hình này đã được nhân rộng trên toàn huyện Mê Linh, thông qua các hợp tác xã.

Hà Nội phát triển mạnh kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Có đến 80% đến 90% diện tích trồng rau tại huyện Mê Linh của Hà Nội đã và đang chuyển đổi sang mô hình những cánh đồng sạch, canh tác theo hướng an toàn sinh học

Có đến 80% đến 90% diện tích trồng rau tại huyện Mê Linh của Hà Nội đã và đang chuyển đổi sang mô hình những cánh đồng sạch, canh tác theo hướng an toàn sinh học và qua đó nâng cao chất lượng đầu ra, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân và đặc biệt là bảo vệ sức khỏe.

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, Hà Nội nêu ý kiến: "Phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp, phối hợp với ngân hàng chính sách và các cơ quan ban ngành như quỹ hỗ trợ nông dân và các ngành khác, để khai thác có hiệu quả các nguồn vốn, giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất kinh doanh".

Hiện nay, số lượng hợp tác xã của Hà Nội gấp 3 lần số lượng bình quân của một tỉnh. Đến cuối năm ngoái, Hà Nội có hơn 2.500 hợp tác xã, về đích sớm gần hai năm so với mục tiêu Thành phố đề ra. Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 2,5 tỷ đồng và đang tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 người.

Ông Nguyễn Văn Khái - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Điện lực Tráng Việt, Hà Nội nhận định: "Có các quỹ như 5% dự phòng và các quỹ 5% để phục vụ cho các công việc đột xuất để trích ra để đóng tiền BHXH cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức cho hợp tác xã".

Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu về mức độ đa dạng lĩnh vực của hợp tác xã. Trong đó hơn 60% hợp tác xã nông nghiệp, còn lại là hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

Thành phố đặt mục tiêu, từ nay tới năm 2030, mỗi năm thành lập mới 100 hợp tác xã. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra nhận định: "Với chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 20 phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam phải có ít nhất ba loại hình hợp tác xã có trong top 300 hợp tác xã được đánh giá tốt nhất của thế giới. Tôi nghĩ rằng trong số top 3 đó thì phải có mặt của Hà Nội. Muốn làm điều đó thì Hà Nội cần có những chiến lược hoặc đề án để chúng ta chăm sóc nuôi dưỡng và xây dựng một mô hình hợp tác xã đủ lớn về số lượng thành viên cũng như quy mô của một ngành nghề nào đó".

Năm 2024, với việc Luật Đất đai (sửa đổi) từng bước đi vào cuộc sống, Luật Hợp tác xã và các chính sách tín dụng được cởi trói, bằng sự nhanh nhạy vốn có, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mới và tiếp tục là hình mẫu trong phát triển kinh tế tập thể của cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước