Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các chuyên gia. Cũng theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, nếu xây sân bay Long Thành, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong huy động vốn. Cách làm này không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi, mà Chính phủ cùng có lãi, vì thế đã được Hội đồng thẩm định quốc gia lựa chọn cho xây dựng.
Nhà gà quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 93.000m2, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó 1.800 tỉ đồng là vốn vay ODA của Nhật Bản, số còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Dự án hoàn thành sau 3 năm và đưa vào sử dụng đến nay đã được 7 năm.
Việc hoàn vốn cho dự án được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện từ việc thu phí hành khách, mặt bằng, kinh doanh và 40 hãng hàng không quốc tế, nhưng nguồn thu chiếm tới 40% doanh thu của cả sân bay Tân Sơn Nhất lại chính là dịch vụ phi hàng không từ cảng quốc tế đem lại.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết: "Chính phủ vay ODA với mức lãi suất là 0,95%, sau đó cho Tổng công ty Cảng hàng không vay lại với mức lãi suất từ 1-1,2% năm để đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế. Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định trả được nợ bất kỳ lúc nào".
Như vậy, phương thức Chính phủ đứng ra vay nhưng doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm trả nợ đã được thực hiện thành công tại một số hạng mục của Sân bay Tân Sơn Nhất và giờ đang được các cơ quan quản lý, Hội đồng thẩm định nhà nước áp dụng để xây dựng sân bay Long Thành.
Theo đó, phân kỳ đầu tư Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu mức đầu tư khoảng 165.000 tỉ đồng, bao gồm vốn vay ODA chiếm 37%, tức là giống như cách đầu tư ODA của sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó vốn xã hội hóa lại chiếm tỉ lệ lớn nhất lên tới 49% và theo các chuyên gia thì chính các nhà đầu tư sẽ tự quản lý nguồn vốn của mình, số nhỏ nhất còn lại 14% để giải phóng măt bằng.
Ông Lương Hoài Nam, Chuyên gia hàng không cho biết: "Một dự án đầu tư có tỉ số hoàn vốn nội tại là 22% và ít hơn 20, thậm chí 15 hoặc 17%, tất nhiên dòng tiền nó mang lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đủ bù đắp dòng tiền đảm bảo và đó là khoản đầu tư hiệu quả về mặt kinh tế".
Để giảm áp lực về vốn đầu tư và hạn chế thấp nhất lãng phí, Bộ GTVT đã tính toán đến phương án đưa sân bay Long Thành vào khai thác sớm, đồng thời kết hợp sử dụng song song hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất và phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của Long Thành làm 2 đợt. Đợt 1 từ nay đến năm 2025, nhằm hỗ trợ cho Tân Sơn Nhất thì sân bay Long Thành sẽ được thiết kế công suất khoảng 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo đó sẽ có 2 đường cất hạ cánh, tổng mức đầu tư khoảng hơn 110.000 tỉ đồng.
Hiện đã có 4 tập đoàn kinh tế quốc tế như Samsung và Cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, ADPi của Pháp và các tổ chức tài chính quốc tế đã đặt vấn đề đầu tư vào dự án Sân bay Long Thành, bởi họ nhìn thấy cơ hội tăng trưởng của thị trường hàng không và sự ổn định về chính trị của Việt Nam.
Mời quý vị khán giả quan tâm xem video chi tiết.