Không giới hạn vốn ngoại - Cơ hội hay thách thức với trung gian thanh toán?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 19/02/2020 06:45 GMT+7

VTV.vn - Trong dự thảo vào năm ngoái, NHNN giới hạn mức trần 49% vốn nước ngoài được rót vào dịch vụ TGTT nhưng trong thông báo mới đây, mức trần này lại được gỡ bỏ.

Mức giới hạn sở hữu nước ngoài 49% tại 1 fintech thanh toán từng được nhắc đến vào năm ngoái, khi NHNN soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp, NHNN vừa mới cho biết sẽ không đưa mức trần 49% này vào dự thảo mới.

Lý do được NHNN đưa ra là vì trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng. Nếu mức trần này được gỡ bỏ, nhiều lĩnh vực hỗ trợ thanh toán như chuyển tiền điện tử, ví điện tử, các cổng thanh toán, hay cả các dịch vụ chuyển mạch tài chính đều có thể gọi vốn từ nước ngoài.

Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước vừa có thể có thêm vốn đầu tư, vừa có thể tận dụng, học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời, cũng là phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số hiện nay.

Thực tế cho thấy, cả 5 ví điện tử lớn nhất trên thị trường hiện nay đều có vốn nước ngoài. Đó là Momo, Payoo, Moca, Senpay và Airpay, với mức sở hữu khoảng trên 30%, thậm chí có ví tới 90%.

Điều đáng nói là chỉ 5 ví điện tử trong tổng số 29 doanh nghiệp được cấp phép nhưng đã chiếm khoảng 90% thị phần. Vì thế, thông tin NHNN dự kiến không áp dụng mức trần sở hữu nước ngoài cũng khiến một số doanh nghiệp nội nhỏ hơn, tỏ ra lo lắng về nguy cơ "cá lớn nuốt cá bé". Do đó, việc gỡ bỏ trần sở hữu cần đi kèm với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước