Kinh tế Đức – “Đánh đổi để thay đổi”

Hồng Quang-Thứ tư, ngày 12/02/2014 17:10 GMT+7

Để đất nước có tăng trưởng ổn định ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp, người dân Đức đã chấp nhận lao động chăm chỉ với thu nhập không cao.

Trong khi cả châu lục phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng thì kinh tế Đức vẫn phát triển. Chi phí sản xuất thấp làm cho sản phẩm công nghiệp dễ xuất khẩu, thặng dư mậu dịch năm 2012 lên tới 188 tỷ €; tỷ lệ thất nghiệp chưa tới 7% thấp nhất châu Âu.

Ông Gabriel Richard-Molard, Đảng viên đảng Dân chủ Xã hội Đức cho biết: "Cái giá phải trả là bất bình đẳng tăng lên và công ăn việc làm tạm bợ ngày càng nhiều. Hiện nay ở Đức có tới 1/3 công việc theo hợp đồng ngắn hạn, công việc rất bấp bênh. Theo một báo cáo cách đây 2 tháng, có một số lượng lớn người dân Đức, chính xác là 15,8%, sống dưới mức nghèo khổ".

Nước Đức không có quy định về lương tối thiểu, lương bao nhiêu là do chủ và thợ thoả thuận. Nên có những ngành, thù lao cho một giờ công chỉ là 3€, chưa bằng 1/3 mức tối thiểu tại Pháp. Chủ lao động trả lương thấp, nên sản phẩm làm ra có giá thấp dễ bán. Về phía người lao động, nhận lương thấp cũng đồng nghĩa với việc sau này lương hưu cũng sẽ thấp tương ứng.

Ông Bruno Colmant, Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger phân tích: "Nước Đức đã quyết định không chia sẻ thặng dư cho người lao động. Năng suất lao động ở nước này đã tăng tới 25% trong 10 năm qua, nhưng lương của họ gần như không thay đổi. Phần thặng dư được các doanh nghiệp giữ lại, thay vì phải chia cho người lao động dưới dạng tăng lương. Gần đây Đức mới nghĩ tới cải cách để kích thích tiêu dùng trong nước".

Thành tích kinh tế được đánh đổi bằng một chính sách xã hội ngày càng chặt chẽ. Tuổi về hưu lên tới 67, người thất nghiệp chỉ được hưởng trợ cấp trong năm đầu tiên mất việc. Những người không thể lao động chỉ được nhận trợ cấp xã hội khi chứng minh được rằng họ không sở hữu căn hộ hay nhà riêng, không có tiền tiết kiệm trong ngân hàng.

Ông Quentin Dickinson, Phóng viên Đài phát thanh Radio France nói: "Người dân Đức đã phải hy sinh trong nhiều năm, để có được nước Đức vững mạnh như hiện nay so với các nước xung quanh. Khi nhìn vào các chỉ số kinh tế, thấy rõ là nước Pháp đang đuối dần trong khi Đức ngày càng vững mạnh. Kinh tế quốc gia phát triển là điều tuyệt vời, nhưng nhìn kỹ thì thấy không phải mọi chuyện đều hoàn hảo cả".

May mắn là giá cả sinh hoạt ở Đức tương đối dễ chịu, thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh. Do vậy, với thu nhập không cao lắm, người Đức vẫn có sức mua tương đương. Ở Bỉ, một gia đình có 2 con khó có thể sống nổi nếu thu nhập thấp hơn 2.044 €/tháng. Nhưng ở Đức, chỉ cần 1.826€ là đủ cho một gia đình có 2 con.

Cách làm của nước Đức, hy sinh một phần chính sách xã hội để hỗ trợ chính sách kinh tế, cũng đã tạo ra nhiều tranh luận trong nội bộ nước Đức. Bài toán lợi ích tổng thể đang được xem xét lại. Theo thoả thuận thành lập liên minh cầm quyền của chính phủ mới, Đức sẽ sớm quy định mức lương tối thiểu, ở một mức độ không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ của đoàn tàu kinh tế.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước