Lần đầu tiên giá trị sản xuất nông nghiệp ĐBSCL sụt giảm

Thanh Chương-Thứ năm, ngày 05/12/2013 10:35 GMT+7

 Nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL trở thành trụ đỡ của nền kinh tế nước ta. Thế nhưng đến năm 2013, vị thế này đang bị lung lay khi giá trị sản xuất của ngành tăng chậm trở lại, một số địa phương có mức tăng trưởng âm.

Năm 2013 ngành nông nghiệp ĐBSCL giảm cả về sản lượng lẫn giá trị. Cụ thể, tại Tiền Giang diện tích gieo trồng cây lương thực đã giảm 2,5%, sản lượng thấp hơn 11,3% so với năm trước. Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra liên tục gặp khó khăn nên tại Cần Thơ diện tích thả nuôi giảm hơn 5%, sản lượng giảm gần 8%. Do đó, giá trị sản xuất toàn ngành cả năm chỉ đạt gần 4.000 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm 2012. Đây là thực trạng chung ở vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Đây là năm đầu tiên giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả quá thấp, giá cá tra thấp hơn giá thành nên sản lượng không tăng”.



Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất của ngành phát triển chậm lại do thị trường xuất khẩu bị thụ hẹp, cạnh tranh quyết liệt khiến giá nông sản giảm mạnh. Ngoài ra, thực trạng này còn bắt nguồn từ việc đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần, chưa tương xứng với sự đóng góp của ngành. Nếu năm 2000 tỷ trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp chiếm gần 14% thì hiện nay chỉ còn khoảng 3% tổng GDP.

Những năm qua chứng kiến sự tăng trưởng nóng của ngành nông nghiệp, tiêu biểu nhất là mặt hàng cá tra. Hiện nay tình hình đang diễn biến trái chiều và hậu quả là tăng trưởng âm. Để cải thiện, các Bộ ngành Trung ương đã triển khai đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Và mong muốn lớn nhất của hàng triệu nông dân chính là nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất chứ không chỉ là sự tăng lên của những con số.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước