Mấy ngày nay, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn trong tình trạng vắng vẻ. Theo các nghệ nhân, nét đặc trưng cơ bản của sản phẩm lụa Vạn Phúc là hoa văn được in trực tiếp trên vải. Mỗi cửa hàng đều có nhãn mác riêng, các chủ cơ sở này phải cam kết và chịu trách nhiệm bán đúng sản phẩm.
Sau vụ Khaisilk, khách hàng đến các cửa hàng lụa Vạn Phúc trước kia đã ít nay lại càng vắng hơn. Theo các chủ cửa hàng, thông tin Khaisilk "treo đầu dê, bán thịt chó", lừa dối khách hàng ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ sở kinh doanh lụa chân chính.
Hơn 30 năm làm nghề, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm cao cấp của bà Tâm (chủ cơ sở Mao Silk - Vạn Phúc) với 10 khung dệt lụa, trung bình mỗi tháng, cơ sở này sản xuất được khoảng 2.500 m lụa. Bà cũng bộc lộ, việc cắt ghép nhãn mác sản phẩm lụa là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
Vạn Phúc hiện có khoảng hơn 150 cơ sở kinh doanh. Sản lượng lụa sản xuất mỗi năm từ 1,5 - 1,7 triệu mét lụa các loại.
Thắc mắc việc có hay không các cơ sở kinh doanh ở Vạn Phúc buôn bán lụa Trung Quốc, đại diện Hợp tác xã làng lụa cho biết, có khoảng 70 - 80% lụa Vạn Phúc được bày bán tại phố Lụa, còn lại là các sản phẩm bên ngoài, trong đó có hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm đều được công khai nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, không có chuyện nhập nhèm hàng Việt với các loại hàng khác.
Cũng theo Hiệp hội làng nghệ lụa, thời gian qua UBND TP Hà Nội, chính quyền địa phương và các nghệ nhân trong làng đã quyết tâm khôi phục và phát triển làng lụa Vạn Phúc bằng sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!