Linh hoạt giải pháp, không để giải ngân vốn đầu tư công “dậm chân tại chỗ”

Đức Chung, Trần Hiền-Thứ tư, ngày 18/08/2021 09:38 GMT+7

VTV.vn - Với mục tiêu đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng, không để giải ngân vốn đầu tư công "dậm chân tại chỗ", một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.

7 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới chỉ đạt chưa đến 37%. Trước tình hình đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác này.

Cầu Vĩnh Tuy 2 là 1 trong 6 dự án của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông được TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Hơn 500 công nhân tại dự án này đang được chia thành 11 mũi thi công và thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ở và làm việc thành từng khu vực riêng) để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dự án đã giải ngân 100% vốn kế hoạch của cả năm. Hiện phương án rà soát, chuyển vốn từ các dự án giải ngân kém sang dự án giải ngân tốt đang được thực hiện.

Linh hoạt giải pháp, không để giải ngân vốn đầu tư công “dậm chân tại chỗ” - Ảnh 1.

Triển khai thực hiện một đoạn Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông) có vốn đầu tư công. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Đối với dự án chậm tiến độ vướng mặt bằng không khởi công được thì điều chỉnh, điều hòa cho các dự án có khối lượng khởi công, đặc biệt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã bố trí 600 tỷ, đến nay chúng tôi đã giải ngân 100%. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục thi công trong mùa lũ vượt nắng thắng mưa và dự kiến giải ngân thêm 300 tỷ để bù được giải ngân chậm của các dự án khác", ông Đỗ Đình Phan, Trưởng phòng Giám sát 2, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Nội, cho biết.

"Sau khi thi công xong thì lập hồ sơ và phối hợp với các bên để tiến hành nghiệm thu thanh toán. Việc giải ngân kịp thời giúp cho dòng tiền của các nhà thầu lưu thông và sẽ đáp ứng được tiến độ thi công tổng thể", ông Lê Linh, Giám đốc Ban điều hành dự án Công ty Trung Chính, cho hay.

Nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách vì dịch bệnh cũng là trở ngại cho dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam. Bởi số lượng người lao động nhiều, địa bàn thi công trải dài qua nhiều vùng. Trong khi số lượng vaccine tiêm cho nhân công còn hạn chế.

Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 19.000 tỷ đồng, tương đương hơn 44%. Trong đó, 10 trong tổng số 11 đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam đã được triển khai. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay sẽ có 2 đoạn hoàn thành. Vì vậy, mới đây Bộ Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho các luồng vận chuyển nguyên vật liệu đến các công trình.

Đồng thời, đại diện Bộ này cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân nếu để tình trạng chậm giải ngân xuất phát từ phía chủ quan.

Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

VTV.vn - Trong bối cảnh nhiều địa phương phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 7 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 37%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước