Nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi cả năm chỉ để biết sẽ nhận được bao nhiêu cổ tức. Chỉ tiêu lợi nhuận của các ngân hàng đều cao hơn năm trước, ước lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, nhưng vì sao nhiều ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là câu hỏi trên Thời báo Kinh doanh.
Bài viết dẫn lời một cổ đông của ngân hàng SHB than thở: "Gửi ngân hàng, lãi suất tiết kiệm 3 năm là khoảng 21%, còn đầu tư vào cổ phiếu SHB chưa được đồng lợi tức nào".
Lãnh đạo ngân hàng này lý giải, dù làm ăn có lãi nhưng đang phải dồn lực xử lý nợ xấu. Sau khi bán nợ cho VAMC, theo quy định, ngân hàng có trái phiếu VAMC trên 5 năm thì không được chia cổ tức. Thế nên, ngân hàng này tính toán chỉ có thể trả cổ tức cho cổ đông bằng việc phát hành thêm cổ phiếu.
Tương tự, ACB cũng dự kiến phát hành hơn 370 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.
Dù vậy, cổ đông của những ngân hàng trên vẫn được xem là khá may mắn, chí ít vẫn có thêm một lượng cổ phiếu nhất định bởi nhiều ngân hàng khác còn không chia cổ tức.
Trên VnExpress, Vietinbank cho biết muốn giữ lại toàn bộ lợi nhuận trong 3 năm, từ 2017 - 2019 để tăng vốn. Bởi nếu không tăng vốn, Vietinbank sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 và sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
TPBank, Techcombank, Kienlongbank cũng không chia cổ tức, muốn giữ lại để mở rộng kinh doanh. Và như vậy, trước mắt, nhà đầu tư sẽ phải tiếp tục điệp khúc chờ đợi cổ tức bằng tiền mặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!