Minh bạch tài chính xử lý rác

Ngọc Tình (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 10/09/2019 21:56 GMT+7

VTV.vn - Việc sử dụng nguồn vốn này và việc thực hiện các dịch vụ thu gom, xử lý rác thải ở một số địa phương đang nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập, thậm chí thiếu minh bạch.

Theo quy định, đơn giá chi phí xử lý rác thải sinh hoạt do HĐND các tỉnh quyết định và được trích từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, câu chuyện tại tỉnh Hải Dương, nơi đang tồn đọng trên 33.000 tấn rác thải được thu gom từ nhiều nguồn và nhiều đơn giá khác nhau là một ví dụ cho thấy sự thiếu minh bạch với nguồn tài chính này.

Đống rác có khối lượng hơn 20.000 m3 được lưu cữu tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty Môi trường Seraphin, HD. Những đống rác này được thu gom từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó cả các nhà máy công nghiệp. Việc lưu cữu rác lâu ngày ở đây đã gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.

Tổng lượng rác tồn đọng trong khuôn viên của Công ty ATP lên tới trên 33.000 tấn, được Công ty Môi trường – Đô thị Hải Dương chuyển cho công ty ATP xử lý theo hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Hải Dương, với giá  244.000 đồng/tấn.

Theo Công ty ATP, sau khi phát hiện vụ việc vào đầu năm 2015, đơn vị này đã phân loại được hơn 1.000 tấn chất thải công nghiệp lẫn trong rác thải sinh hoạt, phải thuê đơn vị có chức năng xử lý. Số còn lại không thể phân loại nên tồn đọng ở đây.

Theo kết luận của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, từ năm 2014-2015, Công ty Môi trường - Đô thị Hải Dương đã ký nhiều hợp đồng thu gom, xử lý rác sinh hoạt với các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp ngoài địa bàn thành phố Hải Dương, đối tượng không được ngân sách hỗ trợ, với khối lượng khoảng 4.000 tấn, đơn giá khoảng 800.000 đồng/tấn, sau đó chuyển cho Công ty ATP xử lý với đơn giá 244.000 đồng/tấn từ nguồn ngân sách của thành phố Hải Dương.

Việc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác đối với các doanh nghiệp ngoài thành phố Hải Dương không nằm trong kế hoạch được giao và chưa đảm bảo về thủ tục.

Theo Nghị định 59, trước năm 2015, chất thải phát sinh trong cơ sở công nghiệp được coi là rác công nghiệp nên việc Công ty Môi trường - Đô thị Hải Dương ký hợp đồng thu gom xử lý hàng nghìn tất rác thải phát sinh trong các cơ sở công nghiệp cũng là không đúng với chức năng nhiệm vụ.

Vụ việc này đã một lần nữa cho thấy nhiều bất cập trong giám sát hoạt động của các đơn vị làm dịch vụ môi trường nên cần phải nhanh chóng giải quyết để minh bạch cơ chế tài chính cho hoạt động này.

Xử lý rác thải - Vấn đề nan giải ở TP.HCM Xử lý rác thải - Vấn đề nan giải ở TP.HCM

VTV.vn - Khoảng 9.000 tấn rác/ngày là số lượng rác thu gom hàng ngày trên địa bàn TP.HCM. Xử lý lượng rác thải này đang là vấn đề nan giải đối với TP.HCM.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước