Ngân sách Mỹ chưa thông, hạn nợ công đã tới

Hằng Nga-Thứ năm, ngày 03/10/2013 09:57 GMT+7

 Nếu Quốc hội không quyết định nâng trần nợ, không nới lỏng giới hạn vay nợ kịp thời, có thể sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Như vậy, nước Mỹ đang đối mặt với tình trạng “Ngân sách chưa thông, nợ công đã tới”.

Mỗi ngày, Bộ Tài chính Mỹ phải rút túi 60 tỷ USD trả cho các hóa đơn của chính phủ, nhưng hiện số tiền trong chiếc túi ngân sách đang cạn kiệt. Hôm 2/10, Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận, đến ngày 17/10 tới, họ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD - chỉ đủ trả cho một nửa số hóa đơn trong một ngày của chính phủ Mỹ.

Ông Francis Lun, Kinh tế trưởng của GE Oriental Financial Group nói: “17/10 thực sự là một cột mốc đáng lưu tâm với giới đầu tư. Nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật, nghĩa là tạm thời Bộ Tài chính Mỹ không đủ tiền mặt để trang trải các hóa đơn. Lương cho các nhân viên chính phủ, tiền thanh toán cho các nhà thầu, chủ nợ sẽ bị đình hoãn”.

Nợ công của Mỹ liên tục phình to trong suốt một thập kỷ qua, ước tính cứ một USD chính phủ Mỹ chi tiêu, thì có tới 40 cents là tiền đi vay. Ðể tránh rơi vào khủng hoảng nợ, Quốc hội Mỹ đã đưa ra quy định giới hạn nợ, tức là số tiền cao nhất chính phủ liên bang có thể vay mượn. Và giới hạn hiện nay là con số 16.700 tỷ USD. Nhưng con số đấy lại sắp bị vượt qua mà những tranh cãi về việc nâng trần nợ giữa Quốc hội và Nhà trắng vẫn chưa có điểm dừng.

‘ Đến giữa tháng 10/2013, ngân khố chính phủ Mỹ có thể chỉ còn chưa đầy 50 tỉ USD - số tiền chỉ đủ dùng trong vài ngày. Ảnh: Báo Tin tức

Bà Nathalie Pelras, Chiến lược gia của KBL Richelieu cho biết: “17/10 là thời hạn cuối cùng cho cuộc chiến nâng trần nợ công của Mỹ. Tôi vẫn hy vọng là các nhà lập pháp Mỹ sẽ có một giải pháp vào phút chót, như năm 2011”.

Đã 11 lần Quốc hội Mỹ phải nới trần nợ công kể từ năm 2011. Và để có lần thứ 12, Quốc hội Mỹ yêu cầu Nhà Trắng phải cắt giảm chi tiêu, giảm thuế, nhưng ông Obama thì lại kiên quyết tăng thuế với người giàu, tăng chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Những tranh cãi không dứt luôn đẩy nước Mỹ đến một cuộc chiến đặc trưng - “Cuộc chiến trần nợ công”; còn giới đầu tư thì luôn bị đăt cược trong một chữ nếu.

Ông Francis Lun cũng cho rằng: “Nếu việc nâng trần nợ không được thông qua, nếu chính phủ Mỹ đóng cửa đến qua ngày 17/10 thì tôi cũng không tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra với thị trường nữa. Chắc là sẽ có một sự xáo động rất mạnh”.

Ông Alan Valdes, Giám đốc Công ty chứng khoán DME Securities nhấn mạnh rằng: “Hầu hết nhà đầu tư đều đang đứng ngoài thị trường, 15 ngày để họ nghe ngóng và ra các quyết định đầu tư. Không ai dại tung tiền vào một tình thế quá rủi ro như thế này. Sau ngày 17/10, nhiều thứ sẽ rõ ràng hơn”.

Nợ quốc gia Mỹ sắp chạm trần, 16.700 tỷ USD. Tính ra, mỗi người dân Mỹ đang phải gánh chịu khoản nợ hơn 52.000 USD. Nâng trần nợ, nghĩa là gánh nợ của mỗi người dân sẽ càng thêm nặng, nên đa phần người Mỹ không hào hứng cho một lần nâng trần nợ.

Nhưng túi tiền Ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ lại đang cạn kiệt. Họ tìm mọi cách để xoay sở. Và trong một nỗ lực mới nhất nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ vừa cho biết, sẽ hoãn đầu tư vào Quỹ bình ổn tỷ giá và sẽ tận dụng ngân sách từ quỹ hưu trí và quỹ người tàn tật.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước