Hội thảo quốc tế ngành mía đường thu hút đông đảo các chuyên gia mía đường trên thế giới (Ảnh: Báo Công an TP.HCM)
Trong khi ngành mía đường Việt Nam đang thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì chỉ còn 3 năm nữa, đến năm 2018, Hiệp định ASEAN sẽ đưa thuế suất nhập khẩu của đường về 0%. Chính vì thế, cần phải nhanh chóng xác định cây mía là cây năng lượng và có những chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển, nếu không ngành sản xuất mía đường của Việt Nam sẽ khó có thể trụ vững tại thị trường trong nước. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về mía đường vừa diễn ra tại Khánh Hòa. Hội thảo có sự tham gia của 14 quốc gia sản xuất đường trên thế giới, trong đó có những quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Trung Quốc, Thái Lan.
Đại diện Brazil cho biết, hiện nay, ngành đường của quốc gia này đã trở thành ngành năng lượng nông nghiệp. Chỉ có 35% sản lượng mía được dùng để chế biến đường. Số còn lại là để sản xuất cồn Ethanol và điện sinh khối. Khoảng 15% tổng năng lượng tiêu thụ của Brazil đến từ mía. Ngoài ra, cây mía có thể tạo ra 60 sản phẩm khác nhau, thậm chí là xăng và dầu dùng cho máy bay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo tính toán, 1 tấn mía cây cho 1kwh điện. Với sản lượng 300 triệu tấn mỗi năm, công suất điện sinh khối từ mía tương đương với nhà máy thủy điện Sơn La. Mặc dù vậy, cho đến nay, mới chỉ có 8/41 nhà máy đường có thể hòa lưới điện quốc gia nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Để ngành mía đường phát triển, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam cần phải sớm ban hành Luật mía đường để làm cơ sở pháp lý cho ngành phát triển. Ví dụ như tại Thái Lan, Luật Mía đường quy định rõ tỷ lệ ăn chia doanh thu giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía là 70:30. Chuyện giá mía lên xuống cũng như việc đo trữ đường sẽ được kiểm soát bằng các Nghiệp đoàn và Hiệp hội.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường sẽ sớm được ban hành với nhiều biện pháp mạnh mẽ, giúp ngành mía đường hội nhập. Trước hết, là sẽ điều chỉnh quy hoạch cũng như bố trí đất trồng mía. Thời gian tới sẽ duy trì 300.000ha nhưng sẽ chuyển mía xuống vùng đất thấp để đẩy năng suất và chất lượng lên. Các khâu cải tạo giống sẽ được tập trung nghiên cứu. Bên cạnh đó, sẽ đặc biệt chú trọng vào các cơ chế đẩy mạnh sản xuất điện sinh khối và cồn Ethanol từ mía.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.