Mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên 5%, trong đó, đóng góp lớn nhất cho GDP 3 tháng qua là công nghiệp, xây dựng... với mức tăng trưởng 6,38%; tiếp theo là khu vực dịch vụ cũng đã lấy lại đà tăng trưởng 4,58%; còn nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,45%.
Khi nói tới tăng trưởng thì không thể không nhắc tới lạm phát bởi đây là nhân tố ảnh hưởng đến việc chi tiêu của mỗi người dân. Thực tế là mức tăng chỉ số giá quý 1 năm nay có cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn trung bình giai đoạn 2017-2020.
Nếu người dân Mỹ và phương Tây chi tiêu nhiều hơn cho gas, khí đốt, nhà ở, giao thông hay vui chơi thì ở Việt Nam, xăng dầu chỉ chiếm 3% tỷ trọng của rổ hàng hoá để tính toán CPI, còn chiếm tỷ trọng lớn nhất, 28%, chính là lương thực, thực phẩm. Điều này làm giảm CPI quý 1. Những ngày này, giỏ hàng đi chợ, sắm sửa cho bữa ăn gia đình đã có thêm nhiều loại thực phẩm rẻ hơn trước. Nhiều loại thực phẩm giảm giá, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Không chỉ thịt lợn, cá nuôi và nhiều loại nông sản, trái cây cũng đang có mức giá rẻ hơn từ 10-30% khiến cho người tiêu dùng rất phấn khởi. Khoai tây giá giảm khoảng 20%, bắp cải 40%, thanh long và dưa hấu 40-50%.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong quý 1
Với những số liệu tích cực vừa nêu, cũng dễ hiểu khi số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng mạnh mẽ và không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn cho các khoản đầu tư mở rộng sản xuất, sau 1 thời gian dài hoạt động cầm chừng thậm chí phải đóng cửa vì dịch bệnh. Gần 34.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,1% - mức cao nhất trong quý I từ trước đến nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý 1 tiếp tục có sự khởi sắc với giá trị toàn ngành tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhu cầu trong nước phục hồi và giao thương quốc tế nối lại là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập lĩnh vực sản xuất.
Bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, cho biết: "Trong số 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, có hơn 34000 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay trong quý 1".
Về dự báo quý 2, 82% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định. 85% doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng và giữ nguyên. Theo các chuyên gia, triển vọng kinh doanh lạc quan này của doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Quốc hội đã đồng ý tăng giờ làm thêm cho người lao động, khi đó doanh nghiệp giải toả được áp lực về đơn hàng đang tồn đọng rất nhiều. Hiện nay chúng ta đã giảm thuế xăng dầu, giảm đi áp lực chi phí đối với doanh nghiệp. Thứ 3 là các giải pháp về môi trường kinh doanh đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ".
Kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện qua con số FDI thực hiện ở mức cao nhất quý 1 trong 5 năm nay. Thực tế thời gian đã có thêm nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến chế tạo, sản xuất được hình thành từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Tim Leelaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định: "Chúng tôi cũng đánh giá quý 1 là giai đoạn các nhà máy đã quay trở lại hoạt động hết công suất nhờ Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế kịp thời. Sự phục hồi sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn khi sang đầu quý 2 các đơn hàng dồi dào và đối tác định hình lại chuỗi sản xuất. Mức tăng trưởng từ 6,5% của Việt Nam là rất khả quan trong năm nay".
Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng tích cực
Trong tuần qua, ngay khi nhiều chỉ số kinh tế tích cực được đưa ra, một số tổ chức nước ngoài cũng đưa ra các đánh giá về kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings đã giữ nguyên mức đánh giá tín nhiệm BB, với triển vọng Tích cực dành cho Việt Nam.
Bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm Quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói: "Hiện tại, lạm phát không phải là một mối lo chính đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính - ngân hàng, đặc biệt là việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ trị giá 350 nghìn tỷ đồng đã giúp Việt Nam ổn định nợ công, giữ vững tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Vì thế, Fitch ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới".
Sau giai đoạn dài đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giờ nền kinh tế đang dần lấy lại đà phục hồi. Tuy vậy chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có được sự tăng trường bền vững trong dài hạn, nhất là trong 1 giai đoạn, nhiều diễn biến khó lường có thể xảy đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!