Mới đây, Bộ GT-VT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn với tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng. Đây là 1 trong 4 dự án tu sửa tuyến đường sắt Bắc - Nam vốn đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua.
Nguồn vốn dành cho việc này thuộc nguồn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016-2020, theo quy định sẽ chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tổng số vốn 7.000 tỷ đồng mới được Ủy ban TVQH phê duyệt. Ngay sau đó, hàng loạt thủ tục chuẩn bị đầu tư cũng đã ngốn thêm không ít thời gian. Vì vậy, để hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị thực hiện.
Mỗi dự án phải thực hiện khoảng 130 công đoạn từ khâu phê duyệt dự toán đến khi thi công. Đó là khó khăn lớn nhất được đại diện Ban 85, một trong hai đơn vị làm chủ đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam chia sẻ.
Đại diện chủ đầu tư còn lại là Ban quản lý đường sắt cho biết, điều kiện thi công là thách thức lớn với các nhà thầu. Bởi đường sắt là tuyến độc đạo nên vừa làm vừa phải đảm bảo chạy tàu. Vì thế, mỗi ngày có đến vài chục lần đang thi công lại phải hoàn trả hiện trạng để tàu chạy thông suốt.
Đại diện Bộ GT-VT cho biết, thông thường, nếu thực hiện trình tự thủ tục theo đúng quy định sẽ phải mất ít nhất 3 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ còn chưa tới một nửa thời gian. Vì vậy, Bộ phải tính đến phương án xin kéo dài thời gian sử dụng vốn sang kỳ trung hạn tiếp theo.
Việc được phê duyệt cấp vốn là không hề dễ dàng trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, có vốn nhưng làm sao để sử dụng đúng thời hạn còn là thách thức lớn hơn đối với 14 dự án giao thông đường sắt và đường bộ vừa được bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!