Điều này cho phép các giao dịch mua bán với khách du lịch nước ngoài được thực hiện dễ dàng, chủ các cửa hàng có thể trốn được các loại thuế, phí, không bị kiểm soát bởi bất kỳ ngân hàng hay cổng thanh toán trung gian nào của Việt Nam.
Trong quá trình thâm nhập vào chuỗi thanh toán trực tuyến xuyên biên giới trái phép, phóng viên VTV đã được một số chủ cửa hàng tiết lộ. Trước đây, việc mở một tài khoản Wechat có chức năng thanh toán (WeChat Pay) rất dễ dàng. Vì vậy, một người Trung Quốc có thể mở được nhiều tài khoản khác nhau, sau đó sẽ bán hoặc cho các chủ cửa hàng Việt Nam mượn lại để giao dịch.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc lập tài khoản WeChat Pay đòi hỏi phải có chứng minh thư chính chủ người Trung Quốc và một tài khoản được mở tại Ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động gắn với tài khoản WeChat này. Vì vậy, cách dễ dàng và an toàn nhất là khi chủ cửa hàng có bạn bè, người thân quen ở nước ngoài tạo cho tài khoản WeChat Pay, bởi sau này còn liên quan đến việc cầm tiền mặt về trả lại cho chủ hàng.
Trường hợp mạo hiểm nhưng thông dụng hơn là thuê các đường dây "làm dịch vụ". Họ sẽ mượn chứng minh thư của người nước ngoài để tạo tài khoản WeChat Pay.
Theo một phụ nữ đã tạo tài khoản thanh toán trực tuyến nước ngoài cho nhiều người, trước đây có nhiều đường dây dịch vụ làm tài khoản WeChat Pay với giá khá rẻ. Tuy nhiên, hiện giá dịch vụ cao hơn, khó khăn và rủi ro cũng cao hơn trong việc mượn tài khoản của người nước ngoài để thanh toán trực tuyến xuyên biên giới trái phép.
Để bán được hàng và có thể trốn một số loại thuế, phí, không ít các chủ cửa hàng tại Việt Nam vẫn bất chấp mạo hiểm để có bằng được một tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện việc giao dịch xuyên biên giới bất hợp pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!