Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy thực thi các quy định của các luật mới

VTV Digital-Thứ năm, ngày 24/10/2024 05:15 GMT+7

VTV.vn - Tại TP Hồ Chí Minh việc triển khai thi hành luật đất đai gần đây đã có những diễn biến tích cực, đó là kết quả từ sự sát sao, chủ động quyết liệt của lãnh đạo thành phố.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 109/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai mới. Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật theo thẩm quyền của địa phương.

Tại TP Hồ Chí Minh việc triển khai thi hành Luật Đất đai gần đây cũng đã có những diễn biến rất tích cực, đó là kết quả có được từ sự sát sao, chủ động quyết liệt của lãnh đạo thành phố.

Trong cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế xã hội gần đây, chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố vừa qua đã tổ chức đoàn đi đánh giá cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ ở 5 sở quan trọng. Mục tiêu thúc đẩy các sở ngành phải có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực thi các chính sách mới, các luật sửa đổi năm 2024, trọng tâm có Luật Đất đai để có ứng xử kịp thời, tránh lúng túng trong điều hành. Chủ tịch Thành phố đề nghị các sở ngành phải phân loại các nhóm vấn đề, nhóm dự án để nhanh chóng đề xuất tháo gỡ giải quyết.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cần tổng hợp lại các vấn đề còn tồn đọng vướng mắc, phân loại theo cấp thẩm quyền để đề xuất, cái nào là phải sửa đổi luật để báo cáo Quốc Hội để sửa đổi luật, cái nào phải xin Bộ Chính trị cho định hướng để chúng ta gỡ, cái nào xin Chính Phủ và Thủ tướng Chính phủ và cái nào cần báo cáo Thường vụ và cái nào Uỷ ban chúng ta làm".

Ngoài ra, để thực thi các luật mới hiệu quả hơn, Sở Xây dựng thành phố cũng kiến nghị thực hiện phối hợp giữa các sở ngành trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư các dự án cũng rất quan trọng.

Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Kiến nghị UBND chủ trì các nội dung liên quan đến các vấn đề vướng để cùng các sở ngành, và cử các đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền để chúng ta quyết định các vấn đề cần phải xử lý, xử lý nhanh, để đẩy nhanh tiến độ, tốc độ các dự án mà chúng ta thực hiện trong thời gian tới".

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các sở ngành tiếp tục tập trung gỡ vướng các vấn đề về quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Bảng giá đất điều chỉnh đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy thực thi các quy định của các luật mới - Ảnh 1.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Sự quyết liệt của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có những kết quả cụ thể tích cực khi mới đây, bảng giá đất điều chỉnh mới đã được ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Bảng giá đất điều chỉnh lần này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng tuân thủ nguyên tắc định giá đất theo quy định Luật Đất đai 2024, được nhận định là phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Trong họp báo về ban hành bảng giá đất điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, bảng giá đất sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên. Thứ nhất, các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính được công khai minh bạch và công bằng. Thứ hai, các khoản xử phạt hành vi vi phạm về đất đai sẽ tăng, giúp lành mạnh hóa thị trường. Thứ ba, việc xác định giá khởi điểm đấu giá đất nhanh hơn, giúp thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tham gia. Thứ tư, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trong quá trình cùng với sở, ngành và địa phương nghiên cứu, thì chúng tôi đã có căn chỉnh ở các vị trí đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch mà người dân có khả năng chuyển mục đích để phục vụ nhu cầu của mình, để điều chỉnh, căn chỉnh khoảng cách chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp. Nó có khoảng chênh lệch nhưng không lớn, để phục vụ nhu cầu quyền lợi của người dân trong việc chuyển mục đích".

Gỡ vướng thủ tục tính tiền sử dụng đất, kỳ vọng khơi thông thị trường

Việc xác định được giá đất cụ thể tại các vị trí từ bảng giá đất mới theo Nghị định 71 quy định về giá đất đã giúp thành phố tính toán dễ hơn, phần nào gỡ được nút thắt "tính tiền sử dụng đất" cụ thể từng dự án của các doanh nghiệp. Bởi xác định được nghĩa vụ tài chính là 1 trong những khó khăn lớn nhất khiến nhiều dự án bị đình trệ thời gian qua bên cạnh các vướng mắc như về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy thực thi các quy định của các luật mới - Ảnh 2.

Việc tính được tiền sử dụng đất đã giúp tháo gỡ vướng mắc lớn nhiều năm qua của các dự án, đây được xem là kết quả tích cực khi TP Hồ Chí Minh thực thi Nghị định 71 quy định về giá đất.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã gửi cho Sở Tài chính văn bản về việc thu nghĩa vụ tài chính 22 dự án bất động sản thành phố trong quý 4 này. Tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu hơn là hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó khoản thu lớn nhất là từ dự án Eco Smart City đã được đề xuất thu 16.000 tỷ đồng. Việc tính được tiền sử dụng đất đã giúp tháo gỡ vướng mắc lớn nhiều năm qua của các dự án, và đây được xem là kết quả rất tích cực khi TP Hồ Chí Minh thực thi Nghị định 71 quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai mới.

Ngoài dự án trên, trong danh sách còn có nhiều dự án khác với số thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng, như dự án tại khu đất hơn 14ha của Công ty CP bất động sản Nguyên Phương và dự án khu đất số 230 đường Nguyễn Trãi của Công ty bất động sản TNT Trung Thuỷ. Theo lãnh đạo thành phố, từ đây đến cuối năm 2024, việc tháo gỡ khó khăn tiền sử dụng đất trước mắt cần tập trung ưu tiên các dự án lớn, tránh dàn trải để có kết quả cụ thể.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay: "Bây giờ chúng ta giải quyết cho Lotte xong thì sẽ thu vào ngân sách được trên 15.000 tỷ, thì người ta sẽ triển khai dự án đó ngay, dự án Lotte đầu tư thì cũng hơn chục ngàn tỷ. Tôi nói một trường hợp như thế, chúng ta phải tập trung Hiệp Phước, Thủ Thiêm và một số dự án lớn".

Theo thống kê, tiền thu sử dụng đất của TP Hồ Chí Minh trong 9 tháng qua chỉ khoảng 5.900 tỷ đồng, còn khá thấp so với mục tiêu do nhiều dự án không thể đóng tiền sử dụng đất. Do đó, việc gỡ khó điểm nghẽn công tác thẩm định giá đất sẽ giúp các dự án được tiếp tục triển khai việc cấp phép xây dựng hay làm sổ hồng cho người mua nhà, cũng giúp tăng thu ngân sách.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho hay: "Bảng giá đất ra một cái là việc tính toán nó dễ hơn, những tham số, tham chiếu nó rõ ràng, minh bạch hơn thì những dự án đang vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất thì nó sẽ dễ hơn".

"Các sở ngành đã tích cực phối hợp để điều chỉnh và ban hành bảng giá đất điều chỉnh mới cũng như xác định được tiền sử dụng đất. Điều này cho thấy sự cam kết và cách tiếp cận chủ động của chính quyền thành phố để hỗ trợ thị trường hồi phục và tăng nguồn cung nhà ở tại TP Hồ Chí Minh", ông David Jackson - Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh, các luật và quy định dần đi vào cuộc sống, các dự án nhà ở đình trệ được hồi sinh và nguồn cung nhà ở dự báo sẽ được cải thiện từ năm 2025 trở đi.

Bảng giá đất điều chỉnh của TP Hồ Chí Minh được áp dụng đến cuối năm 2025. Và sau đó được tiếp tục điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024 từ đầu năm 2026. Theo các chuyên gia, việc thực hiện điều chỉnh bảng giá đất cần có lộ trình, tránh tăng giá đột ngột gây khó cho thị trường. Do vậy, đang có đề xuất sửa Luật Đất đai 2024 theo hướng quy định lộ trình cụ thể theo từng bước, để thực hiện điều chỉnh giá đất trong luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước