Thực tế trên thế giới, ở những nước phát triển đi trước, OTT truyền hình thực sự là một miếng bánh thị trường béo bở.
Thống kê từ năm 2014 đến nay, thời gian mọi người xem video trên điện thoại cứ năm sau tăng gần gấp đôi năm trước. 61% dân số Bắc Mỹ và 55% dân số châu Âu chọn các kênh online là phương tiện chính để xem video và phim ảnh.
Netflix, Hulu, Amazon và Youtube đã có tổng cộng tới gần 2 tỷ thuê bao theo dõi thường xuyên, chiếm 40% tổng thị phần video OTT toàn cầu.
Nhìn thấy tiềm năng to lớn, các đài truyền hình lớn tại Mỹ với thế mạnh sản xuất nội dung đang lấn sân sang thị trường số. Đài CBS của Mỹ đang được coi là một trong những nhà cung cấp nội dung OTT thành công nhất. 2 ứng dụng OTT giải trí và phim ảnh của CBS đã đạt mốc 5 triệu người dùng nhanh hơn mục tiêu tới 3 năm.
Ông Leslie Moonves - Chủ tịch và Giám đốc Điều hành CBS cho biết: "Đài CBS sản xuất những nội dung giá trị cao được khán giả đón nhận. Đây là lợi thế rất lớn trong bối cảnh streaming trở thành kênh phân phối trung tâm trong chiến lược của chúng tôi".
Châu Á được dự báo sẽ là khu vực thể hiện rõ nét xu hướng phát triển phi mã của các loại hình xem video qua ứng dụng OTT. Số lượng người xem video OTT sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới, trong đó Đông Nam Á sẽ ghi nhận mức tăng gần 30%.
Tại Trung Quốc, theo thống kê của Techcrunch, 7 đơn vị duy nhất được cấp phép cung cấp nội dung video OTT đang đẩy mạnh phát triển nội dung với mục tiêu 70% video streaming được sản xuất trong nước.
Đài TVB từ Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã ra mắt ứng dụng xem video trực tuyến năm 2016 và kỳ vọng sẽ đạt 1 triệu lượt đăng ký trước khi kết thúc năm 2018.
Trong khi đó, đài Arirang của Hàn Quốc đã nhanh chóng ra mắt 2 ứng dụng xem video OTT từ năm 2014. Arirang TV Live phát sóng trực tiếp và Arirang tổng hợp những nội dung đặc sắc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!