Tờ Người lao động dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận "Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực", Thủ tướng nhìn nhận Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên đang tập trung vào một số định hướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận "Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực". (Ảnh: VGP)
Đó là Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, Việt Nam cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp Việt Nam; bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước.
Bài viết "Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường" trên tờ Thanh Niên thông tin về một chi tiết rất đáng chú ý, đó là Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư với Diễn đàn kinh tế thế giới nhằm phát triển nền kinh tế tự cường trước tương lai và mong muốn đây là một "mẫu hình" để triển khai với các nước khác sau này.
Theo thỏa thuận hợp tác này, Diễn đàn kinh tế thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực thông qua việc nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Klaus Schwab chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ gặp gỡ những nhà lãnh đạo thế giới, những doanh nghiệp hàng đầu, trong khuôn khổ diễn dàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có cuộc gặp gỡ các cơ quan thông tân báo chí quốc tế đang có mặt tại Davos. Trên cương vị của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đánh giá cao hiệu quả của truyền thông, ông dành nhiều thời gian đọc tin tức trên các báo để lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, dành thời gian gặp gỡ báo chí quốc tế tại Diễn đàn lần này, người đứng đầu Chính phủ mong muốn thông điệp về quyết tâm của Chính phủ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp, được truyền tải một cách mạnh mẽ và trực tiếp nhất tới thế giới. Ở một góc độ khác, nó cho thấy sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ với thế giới là sẽ thực hiện bằng được những cải cách này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!