Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Bán vốn Nhà nước phải công khai, minh bạch”

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/09/2016 10:59 GMT+7

VTV.vn - Tại cuộc họp với các Bộ ngành về chủ trương bán vốn Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn của một số DN lớn và phải công khai trên thị trường.

Tại cuộc họp với các Bộ ngành về chủ trương bán vốn Nhà nước tại 12 doanh nghiệp diễn ra trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán kể cả về chọn nhà tư vấn.

Tháng trước, khi làm việc với Bộ Công Thương về tái cơ cấu DN nhà nước trong ngành, người đứng đầu Chính phủ đã kiên quyết giữ quan điểm, việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, Nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt.

Lần này, Thủ tướng yêu cầu việc bán vốn Nhà nước phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Lấy ví dụ về việc đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên tại Hà Nội đã thu được hơn 1.000 tỉ đồng so với mức giá khởi điểm 122 tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giám sát chặt chẽ, tìm kiếm cơ hội để bán được cổ phần với giá cao nhất.

Chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước và bán cổ phần của SCIS đang được trông đợi sẽ tạo ra bước chuyển lớn trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước vốn đang rất ì ạch và thiếu thực chất.

Bằng chứng, từ năm 2013 - 2014, cho dù tốc độ cổ phần hóa có tăng lên, thế nhưng số DN có từ 50% vố nhà nước trở lên hầu như không giảm đáng kể. Cổ phần hóa không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế như mục tiêu của nó. Thậm chí, tình trạng còn nặng hơn khi quan hệ thân hữu giữa DN với quan chức nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.

Tờ Pháp luật Việt Nam nhận định: "chủ nghĩa thân hữu" đang làm hỏng quá trình cổ phần hóa, trục lợi trong quá trình cổ phần hóa. Nguyên nhân là do DN khi được thiên vị do có quan hệ thân hữu đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh.

Để tránh cho tài sản Nhà nước tại các DN lớn rơi vào tay các "nhóm lợi ích" hoặc "chủ nghĩa thân hữu", rõ ràng rất cần phải thận trọng khi bán bớt vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, song không vì thế mà thiếu quyết liệt.

Qua báo chí, các chuyên gia kinh tế phân tích, chỉ cần Nhà nước tuyên bố bán vốn, thị trường giải quyết những phần việc còn lại dưới sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường, giám sát bởi các nhà đầu tư và các cổ đông.

Rõ ràng, trong kinh doanh, "đồng tiền liền khúc ruột" nên các cổ đông sẽ phải tự tìm ra được nhữnh người có khả năng điều hành DN với hy vọng mang lại lợi tức cao nhất cho mình, đó là quy luật của thị trường. Và cũng chỉ bằng cách này mới tạo ra những DN năng động. Bằng không, cứ giữ lại nhà nước không chỉ lo mất vốn, mà còn xảy ra những vụ lùm xùm như bổ nhiệm người nhà nước "đúng quy trình" vào bộ máy lãnh đạo DN mà Nhà nước nắm nhiều vốn tại Bộ Công Thương.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước