Theo thống kê của Cục Thủy sản, Việt Nam có 827 loài rong tự nhiên, trong đó 88 loài có giá trị kinh tế, được chia làm 3 nhóm chính gồm: rong sụn, rong câu và rong nho. Tổng diện tích nuôi trồng rong, tảo biển của Việt Nam năm 2023 khoảng 16.500ha, sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ. Rong biển là loại cây có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương. Vì thế, đây là loại cây có nhiều cơ hội để bán tín chỉ carbon.
Việt Nam với lợi thế có bờ biển dài, 28 tỉnh có biển, tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng được tối đa lợi thế về mặt kinh tế kinh tế biển. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đang phải nhập khẩu 90% lượng rong biển để phục vụ cho các nhu cầu chế biến trong nước. Rong biển là thực vật có giá trị dinh dưỡng cao và quý, bởi hàm lượng khoáng chất trong rong biển cao gấp 10 lần thực phẩm trên cạn. Rong biển chứa nhiều Vitamin B, C, E, K, axit béo omega-3, protein, axit amin, polyphenol và khoáng chất như sắt, canxi, iốt... Bên cạnh đó, thành phần lignans trong rong biển có tác dụng ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hoạt chất sinh học trong rong biển đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định: "Ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trưởng 10%/năm. Rong biển có khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật trên cạn, là cơ hội có thể bán các tín chỉ carbon. Sản xuất rong biển là một ngành đầu tư thấp, có lợi cho môi trường và tạo ra sinh kế cho người nghèo. Rong biển có nhiều giá trị và lợi ích về dinh dưỡng, là thực phẩm giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng; rong biển có thể sản xuất nhiên liệu sinh học, mỹ phẩm, nhựa sinh học, làm dược liệu, thực phẩm chức năng".
Trong định hướng phát triển nuôi biển, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Cần có những giải pháp bền vững
Sử dụng hệ thống lồng bè bằng vật liệu HDPE trong việc nuôi biển đang là hướng đi bền vững mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Rong biển là đối tượng nuôi phù hợp khi vừa cho giá trị kinh tế, vừa giúp bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon. Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, do là loài sinh sản dinh dưỡng nên khả năng nuôi trồng rong dễ thực hiện và ít tốn kém hơn so với những loài khác. Đồng thời, rong có khả năng phát triển rất nhanh, sinh khối tăng gấp đôi trong vòng 15 ngày và có thể nuôi trồng với năng suất cao trên quy mô lớn ở các thủy vực ven biển.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường biển cùng với việc khai thác quá mức làm suy giảm nguồn lợi rong biển tự nhiên. Để phát triển và bảo vệ nguồn lợi rong biển Việt Nam, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp trong quản lý, nuôi trồng và khai thác rong biển tự nhiên đúng mùa vụ, đúng kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi. Bên cạnh đó, cần mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả nuôi trồng rong biển, tận dụng hết diện tích đã được quy hoạch trên phạm vi toàn dải ven biển. Ngoài đối tượng truyền thống là rong câu, cần bổ sung các đối tượng trồng mới có giá trị, chất lượng cao. Cùng với đó, cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng rong biển tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, STP đã thử nghiệm nuôi rong tại vùng biển Quảng Ninh hơn 4 năm qua và mong muốn đưa mô hình này đến gần hơn với cộng đồng, xây dựng các "cánh đồng biển" quy mô lớn. Mục tiêu của dự án là vừa tăng sản lượng, vừa giúp phục hồi môi trường sau bão. Phát triển mô hình nuôi biển đa giá trị, kết hợp trồng rong với các đối tượng khác như hàu, cá và nhuyễn thể để tối ưu hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, cần phát triển rong biển theo quy mô công nghiệp, liên kết tất cả các hộ dân cùng tham gia, cùng làm để nâng cao giá trị.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, "Có những khu vực chúng ta chỉ trồng chuyên rong và khai thác rong nhưng có nhiều khu vực rong kết hợp với thủy sản khác đặc biệt là nhuyễn thể và các loại trai ngọc để từ đó, chúng ta phát huy giá trị cao hơn. Khi phát triển một diện tích nhất định về rong, chúng ta sẽ đồng hành cùng các tổ chức quốc tế để người trồng rong có thể bán được tín chỉ carbon".
Đẩy mạnh hướng đi phát triển sản phẩm rong, kết hợp trồng rong với các đối tượng khác gắn với du lịch trải nghiệm, áp dụng công nghệ và sử dụng hệ thống phao, lồng bè bằng vật liệu HDPE trong việc nuôi biển. Xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam cho ngành hàng rong biển cũng như quy hoạch chi tiết cho nuôi trồng rong biển để không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn hướng đến "Cam kết Net Zero vào năm 2050".
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chiến lược để đưa rong biển thành một nền kinh tế biển, ước tạo ra 10 triệu việc làm cho ngư dân" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!