Vì sao không giảm thuế thay vì tăng giá xăng?

Kiều Oanh-Chủ nhật, ngày 20/07/2014 06:00 GMT+7

Trong bối cảnh giá xăng thế giới tăng cao như hiện nay, Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế để chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, khi quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào tối 7/7, Bộ Tài chính đã đưa ra những số liệu cụ thể về tính giá xăng dầu. Theo đó, căn cứ để tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng dầu bao gồm 3 hạng mục chính: Giá bình quân thế giới, các loại thuế, chi phí và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Đáng lưu ý trong cơ cấu giá này, đó là khi giá thế giới tăng, chi phí về thuế cũng sẽ tăng tương ứng. Nhiều chuyên gia cho rằng, như vậy là chưa hợp lý. Khi giá thế giới tăng, Nhà nước nên tìm cách kéo giá xăng dầu xuống bằng cách giảm thuế và phí. Hay nói cách khác, Nhà nước nên gánh chi phí thay cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 7/7, khi quyết định tăng giá xăng thêm 410 đồng/lít, Bộ Tài chính đã công bố cả phụ biểu để tính giá xăng dầu. Chiếm 1/3 trong giá bán là các chi phí về thuế và phí, thế nhưng có vẻ như người dân không mấy quan tâm đến các khoản thuế và phí này.

“Mình cũng không được rõ cơ cấu tính giá xăng như thế nào, kể cả phần thuế cũng vậy, cho nên ban hành giá bao nhiêu hay tính như thế nào mình cũng không nắm được”, một người dân cho biết.

‘ Ảnh minh họa

Một lít xăng khi về Việt Nam phải chịu các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tổng giá trị các khoản thuế này là 8.244 đồng/lít, chiếm gần 35% giá bán.

PGS, TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế cho rằng: “Trong bối cảnh thời điểm giá thế giới đang tăng cao, để giảm cho giá bán lẻ hạ bớt thì nên xem xét lợi ích, chia sẻ hài hòa lợi ích của 3 đối tượng, Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu 1,2 thậm chí đến 3%”.

Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay là 18%, vẫn thấp hơn ngưỡng 20% được Bộ Tài chính cho phép. Hơn nữa, so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia hay Trung Quốc, mức thuế ở Việt Nam còn thấp hơn từ 2-4%.

Theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: “Thuế nhập khẩu xăng dầu cần giữ ổn định để đảm bảo giá điều hành theo thị trường. Việc giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu cũng góp phần chống buôn lậu, góp phần tạo cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng sự chủ động trong việc xây dựng các phương án kinh doanh của mình”.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần liên tiếp và mức giá 25.640 đ/lít như hiện nay đang là mức cao kỷ lục. Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương và Tài chính, những tác động của giá xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng CPI là không nhiều và theo Bộ Tài chính, mức thuế hiện nay là hợp lý.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng, trong bối cảnh giá xăng thế giới tăng cao như hiện nay thì Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế để chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước