Việt Nam là điểm đến "có một không hai" thu hút du khách Ấn Độ

VTV Digital-Thứ năm, ngày 14/11/2024 08:08 GMT+7

VTV.vn - Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, nước ta đã đón gần 395.000 lượt khách Ấn Độ trong 10 tháng đầu năm, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, báo Economic Times của Ấn Độ đã nhận định rằng: Việt Nam là điểm đến "có một không hai" đang thu hút sự quan tâm của người Ấn. Bài báo này còn cung cấp một con số rất ấn tượng: Số lượng đặt chỗ du lịch Việt Nam của một số công ty lữ hành Ấn Độ trong năm nay đã tăng 500% so với năm 2019.

Cuối tháng 8 vừa qua, một tỷ phú Ấn Độ đã đưa 4.500 nhân viên tới du lịch kết hợp hội thảo tại Việt Nam. Đoàn khách này đã tới thăm những địa điểm nổi tiếng tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Nội và lưu trú tại các khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội.

"Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi đến Hà Nội. Ngày mai chúng tôi có kế hoạch đi Ninh Bình và sau đó đi Vịnh Hạ Long", chị Akhila, du khách Ấn Độ chia sẻ.

"Đất nước của bạn rất đẹp, con người thân thiện. Chúng tôi muốn khám phá nhiều hơn, tận hưởng nhiều hơn ở Việt Nam", anh Goutam Sarkar, du khách Ấn Độ cho hay.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, nước ta đã đón gần 395.000 lượt khách Ấn Độ trong 10 tháng đầu năm, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia nhận định, lượng khách du lịch từ Ấn Độ đến Việt Nam tăng mạnh là do khả năng kết nối chuyến bay được cải thiện, việc đi lại suôn sẻ nhờ thị thực điện tử và tác động của truyền thông xã hội. Bên cạnh đó, là khả năng "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" của du lịch Việt, khi những vị khách từ thị trường tỷ dân này vốn không hề dễ tính.

Tránh thịt bò, thịt lợn, không ăn trứng, chỉ ăn các loại củ được chế biến theo các phương pháp cụ thể là một trong những yêu cầu của các du khách Ấn Độ khi tới Việt Nam. Hiện nay các công ty lữ hành cũng đang có kế hoạch để xây dựng các tour du lịch để đáp ứng các nhu cầu này cùng nhiều yêu cầu khác của các du khách Ấn Độ.

Ông Hoàng Phụng Hiếu, Giám đốc Công ty Vietglobal Travel cho biết: "Đối tượng cao cấp hướng tới các dịch vụ cao cấp như hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, đi kèm với đó họ cũng rất để ý thực đơn của họ. Chính vì vậy các công ty lữ hành Việt Nam cũng đang kết hợp với rất nhiều nhà hàng Ấn Độ ở Việt Nam để kết hợp thành một tour hoàn hảo để phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp này".

Ngoài ẩm thực, "khẩu vị" du lịch của những vị khách từ Nam Á vốn được cho là không chỉ yêu thích ngắm nhìn những cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, mà còn muốn tìm hiểu về văn hóa, di sản, hay là cả du lịch tâm linh. Đây là điều mà các đơn vị lữ hành hay các địa phương làm du lịch phải đáp ứng.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: "Chúng tôi xây dựng những sản phẩm để thu hút khách, với những tài nguyên về văn hóa, về các cái giá trị về di sản. Với năm 2024 cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành cũng đã xây dựng các sản phẩm du lịch rất đặc trưng của Hà Nội".

"Những chương trình du lịch nghỉ dưỡng cũng là những chương trình được du khách của một số thị trường khách mới nổi rất quan tâm. Ví dụ như Nhật Bản, Ấn Độ và một số khách du lịch đến từ Trung Đông cũng rất thích du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Đà Nẵng và Mũi Né, Nha Trang của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch Vietsense Travel cho hay.

Nhìn lại, lượng du khách Ấn Độ tới Việt Nam trong 10 tháng năm nay đã vượt tổng lượng khách Ấn Độ tới nước ta trong cả năm 2023. Điều này cho thấy sự quan tâm của du khách Ấn Độ tới du lịch Việt Nam. Tiềm năng đã thấy, việc của du lịch Việt giờ đây là khai thác tốt thị trường 1,4 tỷ dân này.

Tăng chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam

Việt Nam là điểm đến có một không hai thu hút du khách Ấn Độ - Ảnh 1.

Tăng trải nghiệm cho du khách hay là đẩy mạnh các hoạt động du lịch đêm để kích thích chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam.

Ấn Độ nằm trong top 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất 10 tháng qua. Ấn Độ xếp thứ 7, dẫn đầu vẫn là thị trường Hàn Quốc với 3,7 triệu lượt khách, tiếp theo đó lần lượt là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản…

Nhìn lại 10 tháng qua, nước ta đã đón hơn 14 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn con số này sẽ còn tăng nhanh hơn khi mùa du lịch quốc tế đã bắt đầu từ tháng 10, và sẽ kéo dài đến tận tháng 4 năm sau.

Một trong những lợi thế của du lịch Việt Nam là chi phí hợp lý. Một đơn vị lữ hành - công ty BestPrice vừa công bố mức chi phí du lịch tại 4 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Theo đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến có chi phí cạnh tranh nhất cho các chuyến du lịch dài hạn. Cụ thể, với các chuyến đi ngắn từ 7 - 10 ngày, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí với mức giá thấp nhất, chỉ 859 USD, gần 22 triệu đồng, trong khi Thái Lan dẫn đầu ở mức 1.354USD, gần 35 triệu đồng, tức cao gấp hơn 1,5 lần. Với những chuyến đi dài trên 15 ngày, chi phí tại Lào tăng cao đáng kể, chạm mức 3.823USD, tương đương 97 triệu đồng.

Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này. Tuy nhiên, không được định vị là một "điểm đến giá rẻ". Bởi mục tiêu cao nhất của ngành công nghiệp không khói này không phải là "bao nhiêu người đến", mà là "du khách đã chi bao nhiêu" và "ở lại bao lâu". Nhiều giải pháp đã được đưa ra là hướng tới mục tiêu này. Ví dụ như tăng trải nghiệm cho du khách hay là đẩy mạnh các hoạt động du lịch đêm.

Nhóm du khách Đan Mạch lần đầu đến Việt Nam, họ cho biết, có thể sẽ quay trở lại vào năm sau, vì nhiều trải nghiệm thú vị ở Hà Nội. Khi du khách đã hài lòng, họ cũng không tiếc tiền chi tiêu tại điểm đến.

Anh Anton Holmstad và anh Andreas Raahauge Pedersen, du khách Đan Mạch chia sẻ: "Cho đến bây giờ, chúng tôi đã tiêu khoảng 1.500USD. Chúng tôi sẽ còn chi tiêu nhiều hơn mấy ngày tới. Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch Việt Nam nên tôi rất hào hứng".

"Chúng tôi không nhớ đã tiêu bao nhiêu tiền trong suốt 12 ngày ở Việt Nam. Có lẽ là tầm 700 euros hoặc hơn cho đồ ăn, nơi lưu trú và chuyến trekking ở Sapa", anh Remi Barbieri và chị Estelle Barbieri, du khách Pháp chia sẻ.

Nhiều hoạt động vào ban ngày, nhưng các hoạt động ban đêm cần thúc đẩy nhiều hơn nữa. Nếu ban ngày là thời gian dành cho việc tham quan, trải nghiệm, thì ban đêm là lúc du khách ăn uống, mua sắm. Các công ty lữ hành giờ cũng đã đưa các hoạt động về đêm vào chương trình tour của mình.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing, Công ty du lịch BestPrice cho hay: "Đi ăn food tour tại Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc là những tour mà gọi là tour ăn đêm trên du thuyền tại Hồ Chí Minh. Về thời gian buổi đêm, tâm lý của khách muốn được thư giãn nhiều hơn và họ sẵn sàng để chi tiêu để mà họ thỏa mãn được niềm đam mê của mình".

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc có các sản phẩm, dịch vụ du lịch, giải trí đêm sẽ tăng thời gian lưu trú của du khách, từ đó thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch, đồng thời tăng cơ hội du khách sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai.

"Khi chúng ta đã tăng được lưu trú của du khách thì chắc chắn rằng doanh thu ngành du lịch sẽ tăng thêm và nếu như chúng ta phát triển được kinh tế đêm thì rõ ràng chúng ta sẽ tăng trưởng từ 150 đến 200 % chi tiêu của du khách", ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Trong đó lựa chọn 12 điểm đến để đặt mục tiêu là từ năm sau - 2025 phải có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Bên cạnh đó là hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước