Các khách mời trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV.
Quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Hè Thu vừa được đưa ra trong bối cảnh kế hoạch tạm trữ vụ Đông Xuân đã không đạt mục tiêu đề ra. Nông dân không được lãi 30%. Doanh nghiệp xuất khẩu kêu lỗ. Gạo tồn kho nhiều. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam xuống ở mức thấp nhất thế giới. Và chương trình tạm trữ đã không kéo được giá thu mua ở trong nước như kỳ vọng ban đầu.
Đã trở thành một điệp khúc đối với sản xuất gạo tại Việt Nam là được mùa thì mất giá, được giá lại không có gạo để bán. Những người theo dõi tình hình xuất khẩu gạo trong những năm gần đây lại đưa ra một tổng kết: khi giá gạo thế giới xuống thấp, ta lại đẩy mạnh bán ra. Và ngược lại, khi giá gạo lên cao, ta lại hạn chế xuất khẩu gạo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho biết: “Ngoại trừ năm 1998 và 2008 vì lý do an ninh lương thực, còn lại không ít năm chúng ta lại hạn chế xuất khẩu gạo khi giá thế giới tăng cao và sau đó lại đẩy mạnh xuất khẩu khi giá giảm”.
Trong báo cáo mới nhất của Oxfam, trong khi thu nhập từ xuất khẩu lúa gạo của doanh nghiệp ngày càng tăng thì thu nhập của người trồng lúa ngày càng giảm. Thậm chí có ý kiến cho rằng, trong tất cả các ngành nghề, hình thức lao động ở Việt Nam, chỉ có nông dân, mà cụ thể ở đây là người trồng lúa, là thu nhập năm sau giảm hơn năm trước. Đây là vấn đề rất lớn ở một đất nước có tới 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xoay quanh vấn đề xuất khẩu gạo tại Việt Nam, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Bích, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lúa gạo và ông Phan Thế Ruệ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, người đã từng nhiều năm điều hành công tác xuất khẩu gạo.
Sau đây là nội dung chi tiết cuộc trao đổi: