Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/06/2024 07:16 GMT+7

VTV.vn - 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 24 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 24 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng chủ lực của nước ta như gạo, rau quả, cà phê đều có kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Mặc dù phải ứng phó với hạn mặn và biến đổi khí hậu, nhưng ngành nông nghiệp đã chủ động dự báo chính xác và có giải pháp kịp thời để đảm bảo sản lượng và chất lượng của nông sản.

Một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng 5 tháng qua là gỗ và các sản phẩm gỗ khi mang về hơn 6 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn đến tháng 12 năm nay.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Ở thời điểm của tháng 5/2024 đã có sự tăng trưởng như vậy thì tôi nghĩ chu kỳ giao hàng cao nhất là tháng 9 và tháng 12 sẽ có một sự tăng trưởng rất tích cực".

Nhờ sự chủ động của ngành nông nghiệp trong việc khai thác tín hiệu thị trường, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản tăng từ 20 - 50%.

Dự báo nhu cầu về nông sản của thế giới ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, kí kết và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo những đối tượng, những sản phẩm đi theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, để đảm bảo sản lượng tăng, chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc để làm sao đạt mục tiêu 54 tỷ xuất khẩu nông sản mà Thủ tướng Chính phủ giao".

Bước vào vụ thu hoạch trái cây chủ lực, các đơn hàng nhập khẩu từ các thị trường tiềm năng tăng lên, đòi hỏi các vùng trồng phải chuẩn bị điều kiện đáp ứng cho tiêu thụ chính vụ, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng để tạo đà cho năm sau.

Ông Matsuda Naoki - Đại diện thu mua, Tập đoàn Aeon Nhật Bản cho biết: "Thị trường Nhật Bản rất khó tính, nhất là về độ an toàn và vị của trái vải. Chúng tôi đã trực tiếp đi đến vùng trồng, ăn thử và đánh giá về dư lượng, chất lượng. Năm nay chúng tôi dự kiến thu mua tăng 120% so với năm ngoái".

Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương nêu ý kiến: "Các vùng trồng đều được cấp mã số và đăng ký để Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cũng như gửi sang các nước nhập khẩu để đăng ký. Ngoài ra, sau khi cấp mã số, chúng tôi cũng giám sát chặt chẽ các mã số vùng trồng này để đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho thị trường xuất khẩu".

Từ năm ngoái, thêm nhiều tuyến tàu liên vận quốc tế được đưa vào vận hành, kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu, giảm áp lực đáng kể cho xuất khẩu nông sản qua đường bộ, đường thủy.

Theo dự báo, nếu từ nay đến cuối năm không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất nông sản đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước