Cuộc trò chuyện của tôi với BTV Việt Khuê bắt đầu từ cái duyên vào nghề của anh. BTV Việt Khuê kể rằng trước khi đặt chân vào Đài THVN, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một BTV thể thao vì bố anh là nhà khoa học và đúng ra anh cũng sẽ theo con đường ấy. Nhưng sau lần tham gia chương trình Người hâm mộ cùng bình luận World Cup 2006, anh đã “bén duyên” với công việc này.
“Tôi đăng kí tham gia với mục đích học hỏi nhưng không ngờ lại lần lượt vượt qua rất nhiều người, qua nhiều vòng thi để trở thành 1 trong 4 thí sinh “trụ lại” đến cùng. Tôi thật may mắn khi được nhà báo Phan Ngọc Tiến – khi ấy là Trưởng phòng Thể thao và bây giờ là Giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN lựa chọn. Có thể nói, công việc này đã giúp tôi khai phá một khả năng hoàn toàn mới để rẽ sang một con đường khác so với dự định của tôi và gia đình”, BTV Việt Khuê kể lại.
Những ngày đầu tiên đảm nhận công việc này, có khi nào anh mắc sai sót? Cái sai nào trở thành một “bài học nhớ đời” trong sự nghiệp của anh?
Là con người, ai cũng có lúc mắc sai lầm, nhất là khi bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ với những gì mình được đào tạo. Cũng may, tôi chưa mắc sai lầm nào quá nghiêm trọng, đến mức “nhớ đời”. (Cười) Nhưng bạn đừng nghĩ sai lầm là xấu. Với tôi, sai lầm giúp chúng ta rút ra bài học, từ đó trưởng thành hơn trong công việc của mình.
‘ BTV Việt Khuê là MC quen thuộc của "Nhịp đập 360 độ thể thao"
“Guồng quay” của một biên tập viên ở Đài THVN thường rất hối hả với hàng loạt các chương trình lên sóng mỗi ngày. Với một BTV thể thao như anh, “guồng quay” đó hẳn là dồn dập hơn bình thường?
Đúng như tên gọi quen thuộc “360 độ thể thao”, chúng tôi luôn cố gắng cập nhật tới khán giả tất cả thông tin nóng hổi nhất, được quan tâm nhất của đời sống thể thao trong nước và quốc tế. Ngoài thời gian làm việc hối hả ban ngày để đảm bảo mật độ lên sóng dày đặc của các chương trình thể thao trên các kênh sóng của Đài THVN, chúng tôi cũng phải thức đêm nhiều vì sự kiện quan trọng có thể đến ở bất cứ đâu trên thế giới, ở bất cứ múi giờ nào, nhất là các sự kiện ở châu Âu, có khi chênh lệch đến 5 - 7 tiếng đồng hồ so với Việt Nam.
Đúng là làm biên tập viên thể thao vất vả trong “guồng quay” hối hả của công việc nhưng mà nhiều niềm vui! (Cười)
Anh vừa nói có nhiều niềm vui. Cụ thể là gì vậy?
Đối với chúng tôi niềm vui lớn nhất xua đi mệt nhọc là khi tạo được sự hài lòng cho khán giả với các chương trình thể thao mình đảm trách. Đơn giản vậy thôi! (Cười)
Với số lượng các chương trình thể thao lên sóng VTV hàng ngày khá dày đặc như hiện nay, lịch làm việc của anh và các đồng nghiệp có lẽ cũng kín mít, nhất là khi Trung tâm sản xuất các chương trình Thể thao được thành lập?
Đúng như bạn nói, kể từ khi Trung tâm Sản xuất các chương trình Thể thao (TTSXCCTTT) – Đài THVN được thành lập (1/10/2013), tất cả thành viên của Trung tâm như bước vào một guồng quay mới bận rộn hơn. Phải nói là lịch làm việc của các thành viên trong Trung tâm, từ Ban Giám đốc cho đến Lãnh đạo các Phòng rồi các nhân viên đều kín mít. Nhưng vất vả mà mang đến các chương trình chất lượng và sự hài lòng cho khán giả thì cả Trung tâm đều vui mừng.
‘ Anh chia sẻ công việc của một BTV thể thao càng thêm phần bận rộn từ khi TTSXCCTTT đi vào hoạt động
Là một BTV trẻ, anh có nghĩ đây sẽ là một khó khăn cho bản thân cũng như những đồng nghiệp khi phải liên tục dõi theo “nhịp đập” không ngừng nghỉ của các chương trình thể thao? Vì trẻ nên cũng cần thời gian gặp gỡ bạn bè chứ nhỉ!
Công việc nào cũng đòi hỏi sự hy sinh nhưng sự hy sinh về thời gian cho công việc hiện tại tôi cảm thấy thỏa đáng. Bận thì rất bận nhưng nếu biết sắp xếp một cách khoa học, tôi vẫn có thể gặp gỡ bạn bè, lo toan công việc gia đình…
Vậy còn cách anh cân bằng công việc và cuộc sống?
Khi căng thẳng, tôi thường nghe nhạc và hát vì âm nhạc giúp tôi rất nhiều trong việc tìm lại thăng bằng trước áp lực công việc. Mà bật mí với bạn, từ hồi sinh viên đến giờ tôi luôn là một cây văn nghệ của mỗi đơn vị tôi học tập và làm việc đấy nhé! (Cười lớn)
Thực ra, mỗi khi căng thẳng tôi nhận được rất nhiều sự động viên của bà xã. Chả biết có phải “vợ hát chồng khen hay” không nhưng tôi thấy nửa kia của mình là người đảm đang, hết lòng chăm lo cho gia đình và là hậu phương vững chắc để tôi có thể yên tâm công tác.
Công việc truyền hình đòi hỏi sự năng động và đa năng. Mọi người có thể gọi tôi là một BTV, một phóng viên, một bình luận viên, một MC và chưa hết, tôi còn có khả năng làm các công việc hậu kỳ như dựng tin tức và tự quay phim khi đi tác nghiệp nếu cần. Cũng nhờ công việc truyền hình, tôi đã trở nên đa năng hơn nhiều so với chính tôi trước đây. Nói rộng ra, hầu hết các BTV của TTSXCCTTT đều đa năng như vậy đấy! - BTV Việt Khuê chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng một người MC cần biết cách tạo phong cách cho bản thân để được khán giả nhớ lâu và đặc biệt là không được “một màu”, tức là phải liên tục làm mới bản thân. Anh nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm một MC cần phải tạo ra phong cách cho riêng mình. Còn vấn đề tự làm mới bản thân, theo tôi đó là việc trau dồi kiến thức và kỹ năng dẫn chương trình để mình có thể truyền tải nội dung đến khán giả ngày một hấp dẫn hơn chứ không phải cứ mỗi lần xuất hiện lại theo một phong cách (ăn mặc, cách dẫn) khác nhau.
Vậy, theo anh, yếu tố nào là quan trọng nhất của một MC thể thao để tạo được dấu ấn cho khán giả? Có phần nào phụ thuộc vào cách ăn mặc không nhỉ?
Ngoại hình cũng quan trọng đặc biệt là đối với một MC. Nhưng mà “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, theo tôi, những yếu tố quan trọng để một MC thể thao tạo dấu ấn trong lòng khán giả là ở chất giọng, kiến thức và cách dẫn dắt vấn đề.
‘ Với BTV Việt Khuê, vợ anh là hậu phương vững chắc giúp anh yên tâm công tác
Câu hỏi ngoài luồng một chút. Khán giả không còn thấy anh xuất hiện trong Đường lên đỉnh Olympia nữa. Khán giả luôn thắc mắc, từ ngày chia tay Olympia, có phải BTV Việt Khuê đã lên chức nên không còn đủ thời gian làm MC nữa?
Cũng đúng một phần thôi. Từ khi TTSXCCTTT chính thức hình thành và đi vào hoạt động, tôi được nhà báo Phan Ngọc Tiến – Giám đốc Trung tâm – tín nhiệm giao làm Phó Trưởng phòng Chuyên mục & Bình luận với công việc chính hiện tại là tổ chức sản xuất và thực hiện hai bản tin Nhịp đập 360 độ thể thao và 360 độ thể thao và nhiều công việc khác nữa.
Tôi đồng ý là vì bận nên tôi không tham gia dẫn Đường lên đỉnh Olympia nữa nhưng không phải là vì lên chức đâu nhé! (Cười) Vì nếu không lên chức tôi sẽ vẫn chia tay Olympia vì công việc của TTSXCCTTT đã chiếm hết thời gian của tất cả các thành viên rồi, dù là lãnh đạo hay nhân viên. Ê-kíp sản xuất Đường lên đỉnh Olympia cũng đã tuyển được MC mới và hoàn toàn thông cảm với tôi trong cuộc chia tay này.
Trở lại với công việc của một BTV Thể thao, ngoài các chương trình lên sóng hàng ngày, các sự kiện quan trọng như World Cup, Euro, Olympic, ASIAD, SEA Games… chắc hẳn sẽ được anh và các đồng nghiệp đầu tư kỹ?
Các chương trình thể thao trên sóng quảng bá của VTV giờ đây đều do TTSXCCTTT đảm nhận việc thực hiện. Chúng tôi ý thức rõ được trách nhiệm của mình và luôn đầu tư kỹ lưỡng cho mọi sản phẩm lên sóng. Tất nhiên, những sự kiện lớn như World Cup, Euro, Olympic, ASIAD, SEA Games hay AFF Cup luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đài, lãnh đạo Trung tâm và chúng tôi luôn coi đó như những chiến dịch tuyên truyền lớn mà mục tiêu quan trọng nhất chính là mang tới cho khán giả những “thực đơn” thật phong phú để có thể thưởng thức một cách trọn vẹn mỗi sự kiện thể thao lớn như vậy.
Anh có thể chia sẻ một chút về “guồng quay” công việc của anh và các đồng nghiệp trong sự kiện SEA Games 27 đang rất được quan tâm?
Năm lẻ như 2013, SEA Games chính là sự kiện quan trọng nhất đối với thể thao Việt Nam. Từ vài tháng trước thềm Đại hội, chúng tôi đã gửi tới khán giả chương trình Đường tới SEA Games 27, các bản tin 24/7, Nhịp đập 360 độ thể thao và 360 độ Thể thao cũng liên tục tuyên truyền về SEA Games.
Hiện nay, khi SEA Games 27 đang diễn ra, TTSXCCTTT thực hiện một khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ. Ngoài các bản tin nói trên, chúng tôi còn có nhiều chương trình hàng ngày để mang tới cho khán giả tất cả những thông tin cần biết về SEA Games 27 như Toàn cảnh SEA Games, Nhật ký SEA Games, Sân cỏ SEA Games hay Khoảnh khắc SEA Games.
Ngoài ra, việc tường thuật các môn thi đấu, các trận bóng đá nam, nữ ngày nào cũng diễn ra từ sáng đến tối muộn. Đặc biệt, chúng tôi đưa vào SEA Games 27 công nghệ mới mang tên Libero để phân tích các tình huống trong các trận đấu bóng đá, góp phần mang đến những trải nghiệm rõ ràng hơn, trực quan hơn và ấn tượng hơn dành cho khán giả.
Cùng với đó, công nghệ StreamBox sẽ giúp các phóng viên tác nghiệp ở Myanmar có thể truyền trực tiếp tín hiệu về Việt Nam từ một máy quay, đảm bảo cập nhật nhanh nhất những khoảnh khắc quan trọng cho khán giả truyền hình. Tất cả chiến dịch này sẽ được điều hành trực tiếp bởi Giám đốc TTSXCCTTT – nhà báo Phan Ngọc Tiến.
Khán giả là thước đo chính xác nhất cho thành công của các chương trình truyền hình nên chúng tôi tin tưởng rằng sự đầu tư kỹ lưỡng của TTSXCCTTT sẽ là yếu tố mang tới thành công ấy!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!