Phó Tổng giám đốc IAEA, phụ trách về vấn đề an toàn Tero Varjoranta (phải) và phái viên của Iran tại IAEA Reza Najafi. (Ảnh: AFP)
Phát biểu tại Vienna (Áo) ngày 10/2, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Terjo Varjoranta cho biết, Iran và IAEA đã đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, song vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Quan chức IAEA cũng cho biết cơ quan này đã bắt đầu điều tra về khả năng Tehran sử dụng chương trình hạt nhân cho mục đích quân sự.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã bắt đầu thực hiện bước đầu tiên để điều tra về mối nghi ngờ kéo dài lâu nay về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Và cuộc điều tra này sẽ kéo dài, để xác định những nghi ngờ trên là đúng hay sai. Đây là tuyên bố được Phó tổng giám đốc IAEA Terjo Varjoranta đưa ra hôm nay.
Ông Terjo Varjoranta, Phó Tổng giám đốc IAEA: "Chúng tôi xem xét tại tiến trình đạt được từ tháng 11 năm ngoái – thời điểm Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân sơ bộ. Iran đã triển khai mọi biện pháp thực tiễn mà theo kế hoạch họ phải làm. Chúng tôi đã nhất trí về 7 biện pháp cụ thể mà Iran phải tiến hành từ nay cho tới ngày 15/5”.
7 biện pháp mà Iran và IAEA đã nhất trí nhằm tăng cường tính minh bạch về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo ông Varjoranta, quan ngại của IAEA nằm ở chương trình phát triển ngòi nổ của Iran có từ 3 năm trước. Theo thỏa thuận mới đạt được, Iran sẽ chấp thuận cung cấp cho IAEA thông tin và giải trình về nhu cầu hay ứng dụng cần thiết cho việc phát triển ngòi nổ EBW- vốn có thể được dùng để nghiên cứu vũ khí.
Còn tuyên bố hôm 10/2, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, ông không kỳ vọng vào một thỏa thuận cuối cùng từ cuộc đàm phán tại Vienna vào ngày 18/2 tới giữa Iran và nhóm P5+1, do sự thiếu lòng tin giữa Iran và Mỹ. Dự kiến tại cuộc đàm phán này, các bên sẽ thảo luận việc biến thỏa thuận sơ bộ thành một hiệp định toàn diện nhằm kiềm chế vĩnh viễn chương trình làm giàm urani của Iran để đổi lại việc chấm dứt các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.