Kinh tế và đối ngoại bao trùm bầu cử Tổng thống Iran

Ngọc Anh-Thứ sáu, ngày 14/06/2013 00:21 GMT+7

Vào ngày 14/6, hơn 50 triệu cử tri Iran sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống mới của nước Cộng hòa hồi giáo này.

Một trong số 6 ứng cử viên sẽ trở thành người thay thế Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. Ông Ahmadinejad đã tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp và theo luật định không thể tiếp tục tranh cử. Trong bối cảnh Iran đang phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ và các nước phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân, kinh tế và chính sách đối ngoại sẽ là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc bầu cử này.

Tại thành phố Isfahan phía Nam Thủ đô Tehran, người dân địa phương đã sẵn sàng tham gia cuộc bỏ phiếu vào ngày 14/6 – một cuộc bầu cử mang theo nhiều kì vọng.

‘ Ứng cử viên Tổng thống Iran Saeed Jalili. (Ảnh: Todayonline)

Ali Zaboliyan, chủ cửa hàng tại thành phố Isfahan cho biết: “Chúng tôi cần một người lãnh đạo có thể tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng quốc tế và khuyến khích du khách đến Iran để chúng tôi có thể phát triển ngành du lịch”.

Nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay là 2 gương mặt, vốn là các nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran. Đó là ông Saeed Jalili, hiện được coi là ứng cử viên sáng giá nhất trong số 4 ứng cử viên bảo thủ chạy đua vào chức Tổng thống. Đối thủ của ông là Hassan Rowhani - được những người chủ trương cải cách ủng hộ sau khi cựu Tổng thống ôn hòa Rafsanjani bị loại khỏi danh sách tranh cử.

Dư luận cho rằng cuộc bầu cử tại Iran dường như sẽ không mang lại thay đổi đáng kể nào, khi đa số ứng cử viên bảo thủ chi phối danh sách bầu cử. Vấn đề là vị tân Tổng thống Iran sẽ giải quyết như thế nào những thách thức mà quốc gia Hồi giáo này đang phải đối mặt.

Về mặt kinh tế, Iran đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm 1,5% năm nay do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như do sự quản lý yếu kém của chính phủ. Về vấn đề hạt nhân, theo các nhà phân tích, dường như Tehran vẫn sẽ quyết tâm theo đuổi chính sách không nhượng bộ trên bàn đàm phán.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước