Không phải đến hôm nay vấn đề này mới được đưa ra tranh luận mà đã được tranh luận khá nhiều trong một thời gian dài. Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch Phường của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - sau khi được báo chí đăng tải - đã thu hút sự bàn luận sôi nổi của các tầng lớp nhân dân.
Trong chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (24/1), vấn đề này cũng đã trở thành chủ đề đàm luận. Chương trình có sự tham gia của hai khách mời: Ông Ngô Văn Minh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (nơi tiếp nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này) - và ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh áp dụng thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường.
Trước câu hỏi Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được đưa ra trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều nhau. Vậy, sau khi Uỷ ban Pháp luật tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, đa phần quan điểm nghiêng về phương án nào? Ông Ngô Văn Minh cho biết: “Hầu hết ý kiến của các Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đều nghiêng về phương án 2, đó là nên giữ nguyên mô hình Hội đồng Nhân dân, UBND của 3 cấp chính quyền hiện nay - cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã”.
Nếu như quy định cấp chính quyền, nghĩa là ở đó phải có UBND cũng như Hội đồng Nhân dân thì nếu như theo phương án 1 - Phường không phải một cấp chính quyền vì không có Hội đồng Nhân dân, vậy trong trường hợp này UBND phải được tổ chức với quyền hạn, chức năng và mô hình hoạt động như thế nào? Ông Ngô Văn Minh trả lời: “Trước hết, chúng ta thiết kế mô hình này là theo quy định mới của hiến pháp tại điều 111, tức là cấp chính quyền của địa phương là gồm có UBND và Hội đồng Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”.
“Khi chúng ta không tổ chức Hội đồng Nhân dân hay có tổ chức Hội đồng Nhân dân ở một số cấp chính quyền này thì rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và - nói như Chủ tịch Quốc hội, câu nói mà tôi rất tâm đắc đó là trách nhiệm của những người đứng đầu của những cơ quan này phải hết sức rõ ràng, minh bạch và nó phải đi vào thực tế” - Ông Ngô Văn Minh nói tiếp - “Những việc gì được làm và những việc gì không được làm và trách nhiệm cá nhân trong một tập thể thế nào, trách nhiệm tập thể ra sao và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu như thế nào phải hết sức rõ ràng, để đảm bảo rằng chúng ta thực hiện sự ủy quyền của nhân dân, để thực thi quyền lực của nhà nước. Đây cũng là vấn đề rất được quan tâm hiện nay của một thiết chế được khẳng định tại điều 2 của hiến pháp, đó là nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.