Càng về cuối chặng đua nộp hồ sơ đại học, cao đẳng, không khí căng thẳng càng lên cao. Nhiều ngày qua, hàng chục nghìn thí sinh, phụ huynh đã mất ăn, mất ngủ cho đến tận những phút cuối cùng của hạn nộp và rút hồ sơ. Đây được coi là một kỳ tuyển sinh có một không hai trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Vậy, điều gì đã khiến một phương thức xuất phát từ quyền lợi của thí sinh nay lại gây ra tranh cãi và những phản ứng trái chiều trong dư luận? Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chương trình Sự kiện & Bình luận đã mời đến trường quay hai vị khách mời đặc biệt là GS.TS Nguyễn Quang Dong – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Việc cập nhật điểm chuẩn của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc qua Internet những ngày qua được ví như chơi chứng khoán cũng bởi sự căng thẳng và thay đổi liên tục của những con số. Đây là một bước quan trọng để các thí sinh phán đoán cơ hội trúng tuyển của mình. Tuy nhiên, không phải các bậc phụ huynh và thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận với hình thức xét tuyển hiện đại này, nhất là ở những khu vực mà Internet chưa thực sự phổ cập. Theo GS.TS Nguyễn Quang Dong, đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều thí sinh vẫn lúng túng với quyết định lựa chọn trường, lớp.
“Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa và những khu vực ít sử dụng Internet không biết điều chỉnh nguyện vọng. Ngay trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có hệ thống online giúp các thí sinh đăng ký hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng qua Internet nhưng chỉ có rất ít thí sinh sử dụng hệ thống này. Trong suốt 20 ngày xét tuyển, số lượng người vào xem và tìm hiểu thì nhiều, song số lượng thí sinh sử dụng hệ thống này chỉ khoảng 2.000 em”, GS.TS Nguyễn Quang Dong chia sẻ.
Trước câu hỏi về những ý kiến tranh luận giữa việc để các thí sinh chọn trường trước khi chọn ngành, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng số lượng thí sinh ưu tiên chọn trường chiếm đa số. “Thí sinh THPT thường không hiểu rõ và phân biệt được những ngành ở đại học, vì vậy, để các em chọn trường và chọn một số ngành, nhóm ngành gần nhau cũng là một nguyện vọng chính đáng. Ngoài ra, cũng có một số em mong muốn chỉ chọn lựa một ngành”.
Sau 20 ngày thực hiện phương thức tuyển sinh đại học mới, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ưu điểm của phương thức này là giảm rủi ro cho các thí sinh bởi khi đã biết điểm, các em có thể chủ động tìm kiếm trường phù hợp với điểm số của mình. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, nhược điểm của phương thức này là khi có quá nhiều sự lựa chọn, thí sinh và các bậc phụ huynh buộc phải cân nhắc, tính toán: “Nhiều thí sinh đến những ngày cuối mới đăng ký sau khi đã biết phổ điểm. Điều này dẫn đến sự thiệt thòi cho một số thí sinh khác”.
Một giải pháp được PGS.TS Hoàng Minh Sơn đưa nhằm giảm sự vất vả của các thí sinh, phụ huynh khi đi nộp hoặc rút hồ sơ liên tục là sử dụng công nghệ thông tin: “Vì đây là năm đầu tiên nên việc áp dụng công nghệ thông tin chưa được như mong muốn. Tôi cho rằng khi công nghệ thông tin được áp dụng, việc gia đình và các em phải đi lại để nộp, rút hồ sơ sẽ không còn. Mỗi em chỉ cần có một tài khoản, mật khẩu là hoàn toàn có thể làm được những việc này trên mạng”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Dong cho rằng dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng kỳ xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay đã đạt được 4 thành tựu lớn: thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện nguyện vọng; các thí sinh điểm cao có nhiều khả năng đậu vào những trường uy tín; thí sinh và phụ huynh có một bức tranh toàn cảnh về điểm số tại các trường; hệ thống online tuy mới nhưng đã giúp ích nhiều cho công tác xét tuyển.
Để lắng nghe thêm chia sẻ của các chuyên gia, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!