Tuần thứ ba của Tháng 9 là thời điểm LHQ chọn hàng năm để bắt đầu cho cuộc hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” trên toàn thế giới. Chủ đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn năm nay là “Hãy hành động vì một môi trường không rác”.
Đây cũng là chủ đề được đưa ra phân tích trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này với sự tham gia của TS. Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn tại Việt Nam ước tính có hơn 15 triệu tấn phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh mỗi năm khoảng 2,6 triệu tấn chiếm 17%. Trong đó, các chất thải nguy hại bao gồm cả chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy và chất độc hại phát sinh từ các quá trình sản xuất công nghiệp.
Trên thực tế, hiện tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở đô thị nước ta mới chỉ đạt khoảng 70%. Đáng chú ý, chỉ khoảng hơn 50% chất thải nguy hại được xử lý, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải bừa bãi hoặc tái sử dụng chưa đúng với quy chuẩn.
Theo đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh có thể lên đến 35 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2020, tổng lượng rác thải y tế có thể tăng lên gấp 1,5 lần hoặc hơn nữa. Với số lượng chất thải ngày càng tăng vọt như vậy nếu không được quản lý tốt sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, sẽ là mối hiểm họa lớn đối với sức khỏe người dân.
Không chỉ ở đô thị, rác thải lại càng là vấn đề nghiêm trọng tại các vùng nông thôn. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Vấn đề chất thải không chỉ ảnh hưởng tới môi trường không khí, môi trường nước, tới đất..... mà còn tác động tới cả văn hóa của người Việt. Đó là văn hóa ứng xử với môi trường và cộng đồng. Quan trọng hơn, điều đó góp phần tạo ra những hình ảnh xấu về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
TS. Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Để hướng tới giải quyết hiện trạng gia tăng rác thải hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2014 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/ 014 đã có những thay đổi nhằm đưa ra những biện pháp quản lý tốt hơn vấn đề rác thải ở đô thị.
Chia sẻ trong chương trình, ông Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật bảo vệ môi trường vừa được thông qua sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay.
“Luật sửa đổi về môi trường được Quốc hội thông qua đã nhìn thấy được những bất cập trong vấn đề môi trường hiện nay. Vì vậy, một trong những điều sửa đổi trong bộ luật này là đã phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ NN và PTNT và các chính quyền địa phương ở các tỉnh, xã, đặc biệt là của người dân trong cộng đồng. Trong đó, Luật sửa đổi đã đưa ra những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác thải nguồn, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây sẽ là một trong những hướng đi mới để giải quyết vấn đề về rác”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Tuy nhiên, theo ý kiến ông Dương Tùng, rác hay ô nhiễm môi trường không phải là của riêng ai mà đó là vấn đề của cả người dân và cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi người hay chính những cơ quan nhà nước cần nâng cao trách nhiệm xã hội đối với vấn đề xử lý rác thải.
Rác không tự nhiên có tại các ngõ xóm, tại các khu vui chơi, công viên hay trường học. Rác không tự nhiên chất thành đống. Điều quan trọng là mỗi cá nhân và cộng đồng cần có ý thức hơn trong việc giải quyết vấn đề này.
Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu những hướng đi mới nhằm giải quyết vấn nạn rác thải trong chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây: