Xâm hại tình dục trẻ em: Sự phòng ngừa là giải pháp căn cơ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/03/2017 13:27 GMT+7

VTV.vn - Theo các khách mời của chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này, sự phòng ngừa là giải pháp căn cơ quan trọng nhất để ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta có xu hướng gia tăng khoảng 20%/năm, cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này thực tế có thể còn nhiều hơn khi có trường hợp người bị hại chọn cách im lặng hoặc thỏa hiệp thay vì lên tiếng. Trên thực tế, công tác phát hiện và điều tra các vụ việc liên quan tới xâm hại trẻ em đang gặp khó khăn. 40% vụ việc bị tòa án trả hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y. Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em không phải chủ đề mới nhưng trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đã tiếp tục nóng lên khi các phương tiện truyền thông đăng tải diễn biến xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại một số địa phương.

Theo TS.Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, hiện tượng những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được bàn luận xôn xao trong cộng đồng xã hội thời gian gần đây có thể được đánh giá là một cơn bão dư luận. Điều đó xảy ra bởi nhiều nguyên nhân.

"Sự quan tâm của cộng đồng xã hội thời gian vừa qua tới các vụ xâm hại trẻ em không thái quá mà có nguyên nhân sâu sa của nó. Nguyên nhân đầu tiên là bởi các vụ án xảy ra dồn dập, trong đó có vụ kéo dài, chưa được xử lý. Điều quan trọng nhất là các nạn còn nhỏ tuổi mà vụ việc không được giải quyết, gây ra bức xúc lớn trong xã hội", bà Khuất Thu Hồng cho biết.

"Con bão dư luận này cũng có tác dụng. Nó khiến các cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng đã có hành động ngay lập tức để đáp lại mong mỏi của dư luận. Tuy nhiên, ở một mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn những mặt tiêu cực từ cơn bão này như việc một số người đưa thông tin về bị can, nghi phạm và thậm chí là thông tin người bị hại lên trang mạng một cách công khai" - bà Khuất Thu Hồng phân tích - "Ở đây, chúng ta nhận ra là có sức ép thể hiện qua sự phỉ báng, thóa mạ và thậm chí là bạo lực trong những vụ việc này. Tôi cũng từng liên tưởng câu chuyện này đến câu chuyện trộm chó, tôi lo ngại là cao trào này có thể đẩy tới những hành vi rất tiêu cực tương tự nếu cơ quan chức năng không có hành động kịp thời".

Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết các vụ xâm hại tình dục trẻ em hiện nay đều khó bị phát hiện và điều tra. Nguyên dẫn tới hiện tượng này là bởi bản thân nạn nhân bị xâm hại tình dục đều nhỏ tuổi, không thể tự tố giác với cơ quan chức năng mà chỉ có thể nói nếu được động viên, khuyên bảo bởi những người gần gũi nhất với các em như bố mẹ, thầy cô giáo hoặc thậm chí là nhân viên tư vấn. Dó đó, vấn đề hiện nay là làm sao để cha mẹ các em dám lên tiếng.

"Chúng tôi nhận thấy có một vài nguyên nhân dẫn tới việc phụ huynh các nạn nhân không dám lên tiếng. Đầu tiên là họ không biết lên tiếng với ai, thông báo vụ việc cho ai. Thứ hai là họ có thể bị thủ phạm đe dọa, thậm chí dùng tiền để mua chuộc, tìm các hòa giải. Thứ ba là do - ở lúc này lúc khác, nơi này nơi khác - sự lên tiếng của họ không được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc khi tới cơ quan pháp luật thì chưa thực sự được ưu tiên. Từ góc độ của pháp luật, chúng ta cũng cần bổ sung, điều chỉnh cập nhật quy định của pháp luật để nhằm phòng ngừa tốt hơn, can thiệp xử lý tốt hơn", ông Đặng Hoa Nam phân tích.

Bổ sung ý kiến của ông Đặng Hoa Nam, bà Khuất Thu Hồng cho rằng nguyên nhân còn nằm ở xã hội, đó là nhận thức về quyền về phụ nữ, trẻ em: "Trong xã hội Việt Nam, chúng ta thường né tránh vấn đề tình dục. Chúng ta nghĩ khi người đàn ông có nhu cầu tình dục thì không thể kiểm soát được. Việc nghĩ như vậy tạo ra văn hóa bao biện, dung túng cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Điều đó còn dẫn tới việc quy trách nhiệm cho phụ nữ, trẻ em phải tự biết cách bảo vệ mình mà quên mất trách nhiệm của toàn xã hội là tạo môi trường sống an toàn cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Chính vì sự thiếu nhận thức đó nên khi xây dựng khung pháp luật không chi tiết, đầy đủ để cơ quan chức năng có công cụ đủ mạnh, đủ hiệu lực để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân, người nhà nạn nhân, thân nhân thủ phạm rất yếu".

Đặc biệt, giải pháp ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em được hai khách mời nhấn mạnh là sự phòng ngừa. Đó là giải pháp quan trọng nhất. Nhiệm vụ đó trước hết thuộc về gia đình, bởi nếu gia đình, nhà trường không là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho trẻ em thì những quy định của pháp luật, dịch vụ xã hội để bảo vệ trẻ em đều vô hiệu. Ngược lại, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, ngành giáo dục trong việc hướng dẫn con trẻ bảo vệ bản thân cũng cần được quan tâm, để nó trở thành kỹ năng sống cho các em. Ngoài ra, pháp luật không chỉ có tác dụng trừng phạt mà còn phải giáo dục, răn đe để ngăn chặn trước khi những người muốn tiến hành hành vi ô dâm thực hiện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước