Bé trai bị hoại tử nặng do gia đình dùng thuốc lá đắp chữa rắn cắn

Lê Thạch, icon
08:14 ngày 17/08/2018

VTV.vn - Sau khi bị rắn độc cắn, gia đình đã không đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế điều trị mà sử dụng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn khiến bàn tay trái của trẻ bị hoại tử.

Bàn tay bị hoại tử của bệnh nhi.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: khoa vừa tiếp nhận bệnh nhi T.K.V (10 tuổi, trú tại Bắc Cạn) bị rắn độc cắn giờ thứ 18 trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái (chỗ bị rắn cắn), hoại tử hai ngón tay và cả cánh tay trái trên diện rộng, lan ra vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhi bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đang đi chăn bò trên đồi cùng với bố. Sau vài giờ đắp thuốc lá và hạt đậu lào vào vết rắn cắn ở tay, trẻ xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản, rối loạn đông máu và được chỉ định sử dụng dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Mặc dù được dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất nhưng do đến viện muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng nên liệu trình điều trị cho bệnh nhi sẽ còn nan giải.

Bé trai bị hoại tử nặng do gia đình dùng thuốc lá đắp chữa rắn cắn - Ảnh 1.

Bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị.

Theo các bác sĩ, sau khi đã điều trị đủ huyết thanh kháng độc và kháng sinh sẽ phải hội chẩn ngoại khoa và chuyển viện bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử tại chỗ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết: hiện tại đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Trong một tháng trở lại đây, tuần nào Khoa Nhi cũng có 1-3 ca bị rắn cắn nhập viện, tập trung phần lớn ở các vùng trung du, miền núi của Hà Tây cũ, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Cạn, Yên Bái. Có rất nhiều bệnh nhân đến với bệnh viện trong tình trạng muộn, khi xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Có những bệnh nhân rắn cắn ở vùng mắt cá chân, ngón chân nhưng khi bệnh nhân sưng nề đến đùi hoặc gối mới đến viện.

Thông thường, mùa này ở khoa Nhi hay gặp rắn hổ cắn với triệu chứng sưng nề bầm tím kèm theo hoại tử chỗ rắn cắn. Ngoài ra có một số trường hợp đến viện trong tình trạng suy hô hấp. Số ít bệnh nhân khác có sưng nề bầm tím nhưng không bị hoại tử và sưng nề bầm tím lan nhanh.

Khi bị rắn cắn, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách:

- Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.

- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

- Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).

- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Các bác sĩ cũng lưu ý: bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Với phương châm "nhầm hơn bỏ sót" bởi nếu bị rắn độc cắn, đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá hoặc thầy lang làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân và mất dần cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục