Bệnh lý nhãn giáp là gì?

icon
09:36 ngày 02/01/2021

VTV.vn - Bệnh lý nhãn giáp là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tự sinh ra các kháng thể chống lại các tổ chức quanh nhãn cầu.

Theo Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, trên hầu hết các bệnh nhân nhãn giáp, các kháng thể tự miễn này cũng tấn công tuyến giáp gây nên bệnh Grave với các triệu chứng cường giáp hay nhiễm độc giáp. Bệnh lý nhãn giáp có thể xuất hiện trên bệnh nhân có tình trạng cường giáp, suy giáp hoặc kể cả khi tuyến giáp đã được điều trị ổn định (bình giáp).

Nguy cơ mắc bệnh lý nhãn giáp

Có khoảng 1/4 bệnh nhân Grave xuất hiện bệnh lý nhãn giáp kèm theo. Bệnh lý nhãn giáp có thể xuất hiện trước, trong hoặc sau khi được chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp.

Trong hầu hết các trường hợp, biểu hiện ở mắt thường ở mức độ nhẹ. Nếu ngay tại thời điểm được chẩn đoán bệnh lý Grave, bệnh nhân chưa có triệu chứng tại mắt và không hút thuốc lá thì nguy cơ bị bệnh lý nhãn giáp là dưới 1/10. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có hút thuốc lá, nguy cơ sẽ tăng gấp đôi và trong trường hợp bệnh nhân nghiện hút thuốc lá nặng nguy cơ phát triển bệnh sẽ cao gấp 8 lần người không hút.

Bệnh lý nhãn giáp là gì? - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị bệnh lý nhãn giáp trên nền bệnh Grave đã điều trị ổn định. Bệnh nhân có biểu hiện trợn mi trên - dưới và cương tụ kết mạc nhãn cầu (đỏ mắt), nhãn cầu bị đẩy lồi ra phía trước.

Triệu chứng của bệnh lý nhãn giáp

Các triệu chứng thường gặp của bệnh lý nhãn giáp bao gồm:

- Trợn mí mắt: có thể trợn mi trên và/hoặc mi dưới.

- Lồi mắt: nhãn cầu bị đẩy ra phía trước (do sự phì đại của các cơ vận nhãn và mô mỡ), trường hợp nặng có thể gây hở mi (mi mắt nhắm không kín).

- Cảm giác khô mắt, cộm xốn khi chớp.

- Chảy nước mắt.

- Mi mắt phù nề.

- Đỏ da mi và đỏ mắt.

- Nhìn hình đôi (hai hình).

- Nhìn mờ: có thể do khô mắt, nhưng cũng có thể do thần kinh thị bị chèn ép.

- Đau hốc mắt, đặc biệt đau khi nhìn lên hay nhìn xuống.

- Cảm thấy khó liếc mắt.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân cần được bác sĩ nhãn khoa thăm khám và xác định chẩn đoán, đặc biệt nếu bệnh nhân đã có tiền sử bệnh Grave hay cường giáp.

Bên cạnh các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh Grave (xét nghiệm nồng độ FT3, FT4, TSH trong máu và siêu âm tuyến giáp), bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm các xét nghiệm nhằm hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý nhãn giáp như: siêu âm hốc mắt, chụp CT scan hay MRI hốc mắt, chụp hình đáy mắt và đo thị trường trong trường hợp nghi ngờ có chèn ép thần kinh thị giác.

Điều trị bệnh lý nhãn giáp

- Cần có sự phối hợp giữa bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ nội tiết.

- Duy trì mức hormone tuyến giáp ổn định không dao động thường xuyên.

- Bệnh nhân nên ngưng hút thuốc lá (nếu có), do thuốc lá có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

- Trường hợp bệnh lý nhãn giáp nhẹ (trợn mí, lồi mắt nhẹ, phù nề mi nhẹ), bệnh nhân có thể nhỏ nước mắt nhân tạo (dạng lỏng hoặc dạng gel tùy theo mức độ) để giảm cảm giác khô cộm.

- Trường hợp bệnh lý nhãn giáp nặng hay bệnh ở giai đoạn hoạt động (mắt đỏ, lồi mắt nhiều hay song thị tiến triển) hay bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép thần kinh thị giác, khi đó bệnh nhân có thể được điều trị với corticoid đường toàn thân (uống hoặc truyền tĩnh mạch tùy trường hợp), ngoài ra có thể phối hợp với các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc xạ trị. Điều trị bằng corticoid có thể giúp làm giảm phản ứng viêm, nhưng không giúp làm giảm triệu chứng lồi mắt.

Với nhiều bệnh nhân nhãn giáp, sự thay đổi cấu trúc của các mô là hầu như không thể phục hồi như tình trạng trợn mí, lồi mắt hay song thị do mô và cơ bị phì đại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để tạo hình tại vùng mắt như:

- Phẫu thuật giải áp: phương pháp phẫu thuật phá vỡ các thành xương của hốc mắt để tạo thêm khoảng trống cho các mô phì đại thoát ra, thường áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu chèn ép thần kinh thị không đáp ứng điều trị corticoid, hoặc mắt bệnh nhân lồi nhiều gây hở mi nặng.

- Phẫu thuật các cơ vận nhãn (phẫu thuật lé): để điều trị song thị (hình đôi).

- Phẫu thuật mi mắt: trường hợp trợn mí nhiều gây mất thẩm mỹ.

Bệnh lý nhãn giáp là một bệnh lý khó kiểm soát, để có thể đạt được kết quả tốt nhất, cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân, bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ nội tiết trong thời gian dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục