Bệnh nấm da vào mùa hè

Lê Thạch, icon
03:57 ngày 28/06/2018

VTV.vn - Nấm da là một bệnh da liễu phổ biến ở các nước khu vực nhiệt đới và xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè. Bệnh do các vi nấm có khả năng xâm nhập và sinh sống trên da gây nên.

Làn da của bệnh nhân bị nấm da.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nấm da có thể gây các tổn thương ở nhiều vị trí như trên da, tóc và móng.

Nguyên nhân gây nấm da

- Tiếp xúc với người mắc bệnh: bệnh dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh nếu không chú ý vệ sinh hoặc có thói quen dùng chung khăn mặt, chung quần áo, giày dép...

- Tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh: Khi tiếp xúc với động vật mắc bệnh như vuốt ve, chải lông chó mèo, bò, lợn bị bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm.

- Tiếp xúc với môi trường thiếu vệ sinh: Một số trường hợp có thể bị nhiễm nấm do tiếp xúc với đất bẩn, đất nhiễm nấm hoặc lây nhiễm từ bào tử nấm có trong môi trường xung quanh, đặc biệt là nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

- Do thói quen xấu: Thói quen đi ngủ khi tóc ướt, không lau khô cơ thể sau khi tắm hoặc vận động mạnh là những thói quen xấu khiến nhiều người bị nấm da. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện do vi khuẩn nấm dễ phát triển và sinh sôi.

Triệu chứng của nấm da

Tổn thương là các đám da có mụn nước tróc vảy, bờ nổi gồ, lan rộng dần, có thể có các sẩn đỏ hoặc mụn nước, ngứa ít hoặc không ngứa.

Các vị trí thường gặp nhất: nấm thân mình, nấm bẹn, nấm bàn tay, bàn chân, nấm kẽ ngón, nấm da đầu, nấm móng. Nấm bẹn hay gặp ở nam sau tuổi dậy thì, nấm da đầu hay gặp ở trẻ em, lang ben hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên

Những tổn thương do gãi có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, chàm hóa gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và công việc của người bệnh.

Xét nghiệm

- Soi tươi tìm nấm: Cạo da tìm nấm trực tiếp với dung dịch KOH.

- Cấy tìm nấm nếu xét nghiệm soi tươi không xác định được.

- Các xét nghiệm thăm dò chức năng gan, thận (trường hợp có chỉ định dùng thuốc kháng sinh uống).

Điều trị

- Các trường hợp nấm da diện tích nhỏ và không nặng: Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh chống nấm dùng ngoài da (dạng mỡ, dạng kem, dạng gel, dạng bột hoặc thuốc xịt, tắm…)

- Các trường hợp nấm da diện tích lớn hoặc nặng: được chỉ định dùng các thuốc kháng sinh chống nấm đường uống, có thể kèm các thuốc hỗ trợ cần thiết.

Lưu ý khi dùng thuốc

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, tránh tự ý mua thuốc dùng hoặc theo hướng dẫn của người không phải là bác sĩ da liễu.

Cần đến khám bệnh sớm, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng bệnh đã hết vì sẽ làm tái phát bệnh.

Phòng bệnh nấm da

Nấm da là một bệnh dễ lây lan, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được những nguy cơ lây nhiễm thay vì tìm cách để đối phó với bệnh. Để phòng ngừa nấm da, các bác sĩ da liễu lưu ý những điều sau:

- Trước tiên cần phải tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như nón mũ, áo quần, giày dép, cát móng tay, khăn mặt và khăn tắm . Tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật nuôi có thể là nguồn lây bệnh nấm da như chó, mèo, thỏ....

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh nấm da, đặc biệt là ở những nơi nóng ẩm.

- Mặc những loại vải mỏng và thoải mái như cotton, đặc biệt với đồ lót. Những nơi dễ bị nấm như bộ phận sinh dục, bàn chân, ngón chân, nách cần được vệ sinh thường xuyên và giữ cho da luôn khô thoáng..

- Khi có dấu hiệu bị nấm da cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ kết quả xét nghiệm sẽ được chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đủ thời gian.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục