Bộ Y tế thông tin về việc đưa số chứng minh nhân dân vào đơn thuốc ngoại trú

Lê Thạch, icon
04:44 ngày 02/03/2018

VTV.vn -Thông tư 52/2017/ TT-BYT, có quy đinh về việc đưa số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi.

Quy định mới về việc thêm CMT vào đơn thuốc ngoại trú

Theo Th.S Cao Thái Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đối với quy định này cần được hiểu rõ: ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số chứng minh nhân dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.Đây là nội dung mới so với những quy định trước đây. 

Đơn thuốc phải đảm bảo 3 ý nghĩa là: 

- Đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; 

- Đảm bảo tính kinh tế: Người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; 

- Đảm bảo tính pháp lý: mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Trước những lo ngại làm sao để giám sát được kê đơn thuốc có thông tin về chứng minh thư tại các nhà thuốc, Th.S Cao Hưng Thái cho rằng khi đi kiểm tra giám sát nếu phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán những đơn mà không có chứng minh thư cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.

Ngoài ra, Th.S Cao Hưng Thái cũng cho biết việc ghi thêm chứng minh nhân dân với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số chứng minh nhân dân không có gì là quá khó khăn.

Thông tư số 52/2017/TT-BYT liên quan đến nhiều đối tượng. Thông tư đã kế thừa những quy định trước đây, đồng thời xin ý kiến các bên liên quan trước khi ban hành. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục