Ca bệnh hiếm gặp: U hạt dạng vòng thể lan tỏa

P.V, icon
06:06 ngày 14/09/2024

VTV.vn - Bệnh nhi nam, 12 tuổi, bệnh diễn biến từ khi 2 tuổi, xuất hiện các sẩn đỏ cánh tay, đùi, không ngứa không đau, trẻ không được điều trị gì.

Hình ảnh các sẩn đỏ ở tay và chân bệnh nhi

1 năm nay, tổn thương bắt đầu lan rộng nhiều, lan ra 2 má, đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay 2 bên. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm da cơ địa, dày sừng nang lông điều trị nhiều thuốc bôi, bệnh cải thiện ít được nhập viện nội trú khoa điều trị bệnh da nữ giới và trẻ em.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, ghi nhận bệnh nhi có sẩn đỏ, hình tròn, đỉnh phẳng, kích thước đồng đều 2-3mm, phân bố đối xứng 2 bên má, mặt ngoài cánh tay, cẳng tay, mặt trước bên đùi, mặt trước cẳng chân, tổn thương bóng, không có vảy, không ngứa. Bệnh nhi không có tổn thương móng, niêm mạc, tiền sử khỏe mạnh.

Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ: Dày sừng nang lông; Lichen nitidus thể lan tỏa; U hạt dạng vòng thể lan tỏa. Kết quả mô bệnh học hướng đến u hạt dạng vòng.

U hạt dạng vòng là tình trạng viêm hay gặp, được đặc trưng bởi sẩn hoặc mảng màu da hoặc màu đỏ, không có vảy. Bệnh hay gặp ở nữ giới, lứa tuổi trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc của bệnh được báo cáo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2017 đến năm 2018 là 0,04% đến 0,06% (khoảng 38-54 ca/100.000 dân). U hạt dạng vòng thể khu trú hay gặp nhất, sau đó đến u hạt dạng vòng thể lan tỏa ngoài ra hiếm gặp hơn nữa là u hạt dạng vòng thể sâu dưới da, thể dát…

Ngược lại với dịch tễ chung, u hạt dạng vòng thể lan tỏa được báo cáo hay gặp ở những người lớn tuổi, với đặc trưng là các dát, sẩn khá đồng đều, màu đỏ hoặc màu da thường sắp xếp đối xứng thân mình, tay chân. Thể bệnh này chiếm khoảng từ 8-15% các trường hợp u hạt dạng vòng. Một số ca lâm sàng báo cáo có thể liên quan đến các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc tăng gamma globulin.

Theo các bác sĩ, bệnh có thể tự khỏi hoặc có trường hợp lại kéo dài dai dẳng. Trong 1 nghiên cứu trên 100 bệnh nhân u hạt dạng vòng thể lan tỏa có ít nhất 25% bệnh nhân bệnh bị bệnh trên 5 năm, trong đó có ít nhất 10% đến sau 10 năm vẫn còn tổn thương.

Trường hợp ca bệnh trên là hiếm gặp, trẻ tuổi, tiến triển hơn 10 năm nay. Hiện tại bệnh nhi đang được điều trị chiếu ánh sáng NB-UVB toàn thân kết hợp thuốc bôi, đáp ứng khả quan. Các bác sĩ đang tiếp tục điều trị và theo dõi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục