Các bài thuốc có bưởi trong y học dân gian

Nguyễn Liên, icon
10:23 ngày 30/09/2018

VTV.vn - Bưởi kết hợp với một số vị dược liệu khác là những bài thuốc hữu ích trong điều trị được nhiều loại bệnh phổ biến như cảm lạnh, sốt, đau dạ dày, phù thũng, thũng trướng,…

Quả bưởi (Hình minh họa: fruitezy.com.au)

Theo cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" - NXB Khoa học và Kỹ thuật) – tài liệu tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược liệu - Dược Cổ truyền: lá bưởi, vỏ bưởi, nước ép múi bưởi và hạt vỏ bưởi có rất nhiều công dụng trong điều trị các loại bệnh.

Cụ thể, lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng. Lá bưởi già chữa cảm sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi, kém ăn, chữa sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại. Cách thức chữa bệnh là sắc uống với liều dùng từ 10 đến 20g lá tươi một ngày. Cũng có thể nấu nước để xông, ngâm chân và dùng lá xát vào chân. Lá bưởi non được nướng chín để nắn, xoa bóp chỗ đau (cho tan máu ứ), chỗ bị sai khớp, sưng, bong gân hay gãy xương, sau đó dùng lá khác (chưa nướng) giã nát, bó vào chỗ bị tổn thương. Ngoài ra, lá bưởi tươi nấu với nhiều loại lá thơm khác để xông còn có công dụng chữa cảm cúm, nhức đầu.

Vỏ quả bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng (lách to), tiêu phù thũng, hòa huyết, giảm đau. Vỏ bưởi được dùng chữa ho, đờm tích đọng ở họng và phế quản, đau bụng, ăn uống không tiêu. Cách thức dùng là bỏ lớp cùi trắng, lấy lớp vỏ vàng rồi sao. Ngày dùng từ 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc uống.

Vỏ hạt bưởi có thể dùng lấy pectin (chất nhầy bao quanh vỏ hạt) làm thuốc cầm máu. Dịch ép múi bưởi là thuốc giúp tiêu khát, đái tháo, thiếu vitamin C và làm nguyên liệu chế acid citric (hay được biết đến với tên gọi bột chua) thiên nhiên. Nước hoa bưởi được cất từ hoa bưởi và dùng phối hợp với nhiều dược liệu có mùi thơm khác như hồi, quế để làm thơm các thức ăn, bánh ngọt, nước giải khác.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, bưởi được dùng làm thuốc long đờm và dễ tiêu. Thuốc chống rắn cắn mang tên Guangdong của Trung Quốc gồm có bưởi và cây lạc tiên Passiflora cochinchinensis đã được chứng minh là có hoạt tính chống nọc độc của nhiều loài rắn độc trên chuột nhắt trắng và người. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, nước ép quả bưởi là thành phần phụ kèm trong một bài thuốc có nhiều vị dược liệu để chữa bệnh tim mạch. Ở cao nguyên miền trung Haiti, nhân dân địa phương uống nước ép quả bưởi để chữa suy nhược.

Các bài thuốc có bưởi trong y học dân gian - Ảnh 1.

Lá cây bưởi (Hình minh họa: healthbenefitstimes.com)

Các bài thuốc có bưởi:

- Chữa cảm cúm và sốt cả hai thể phong hàn (sốt nhẹ, sợ lạnh, không có mồ hôi, nước mũi trong, đờm loãng, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch phù) và phong nhiệt (thường sốt cao, hơi sợ gió, đau đầu, tự ra mồ hôi, khát nước, chảy nước mũi đặc, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch nhanh): Dùng nồi nước xông lá bưởi cùng với các lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, mỗi thứ một nắm lá tươi đem đun sôi với nước, xông trong vòng từ 5 đến 10 phút.

- Chữa đau dạ dày: Vỏ quả bưởi đào, lá dạ cẩm, vỏ quýt, ba vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, trộn đều. Liều uống mỗi lần 5g, ngày uống 2 lần.

- Chữa thũng trướng (khắp mình phù nề, vùng bụng trướng đầy): Vỏ quả bưởi đào, mộc thông, bồ hóng, mỗi vị từ 20 đến 30g, diêm tiêu 12g, cỏ bấc 8g. Sắc uống mỗi ngày 2 lần vào lúc đói. Lưu ý, ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc. Kiêng muối và chất mặn.

- Chữa phù thũng (chứng sưng phù nề do chất lỏng dư thừa bị mắc kẹt trong các mô của cơ thể) sau khi đẻ và các trường hợp phù thũng khác: Vỏ bưởi khô và ích mẫu các vị bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói, hoặc dùng mỗi vị từ 20 đến 30g sắc uống.

- Bài thuốc tiêu phù: Vỏ bưởi đào 600g, cỏ roi ngựa 500g, bồ hóng bếp 400g, bích ngọc đơn 400g, ích mẫu 300g, hồi hương 200g, quế thanh 200g, phèn phi 200g, phèn chua 100g, tán thành bột làm hoàn, ngày uống 20g.

- Chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh: Vỏ bưởi khô, đốt và xông hơ vào rốn.

- Chữa chốc đầu ở trẻ em: Hạt bưởi bóc vỏ cứng ngoài, xâu vào sợi dây thép, phơi khô, đốt trên ngọn lửa cho cháy thành than rồi nghiền nhỏ. Rửa sạch chỗ chốc đầu bằng nước ấm, thấm khô rồi bội bột than vừa lấy từ đốt hạt bưởi. Ngày bôi từ 1 đến 2 lần, thời gian điều trị khoảng từ 3 đến 6 ngày.

Lưu ý: theo các chuyên gia y học cổ truyền, người suy nhược do can hỏa nhiệt không nên dùng các bài thuốc từ bưởi .

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục