Căn bệnh mang tên “sợ đi khám bệnh”

Hà Giang, icon
01:59 ngày 08/04/2025

VTV.vn - Căn bệnh “sợ đi khám bệnh” - tuy không có trong y học, nhưng lại đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe và tinh thần của rất nhiều người.

Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, thay vì kịp thời thăm khám, nhiều người lại có tâm lý chủ quan, thậm chí không đi khám bệnh với lý do: "Thà không biết còn hơn biết rồi lo". Những suy nghĩ tưởng chừng đơn giản ấy, đôi khi phải đánh đổi bằng những điều lớn lao hơn rất nhiều: Thời gian, tiền bạc, và cả cơ hội được sống.

Nỗi sợ biết sự thật

Cơn đau bụng của T.N. (21 tuổi, TP Hồ Chí Minh) xuất hiện bất thường khoảng 1 năm nay. Khi thì âm ỉ, khi lại quằn quại, kèm theo tình trạng kinh nguyệt không đều. N. lên mạng tra triệu chứng, loáng thoáng đọc thấy "ung thư cổ tử cung" thì vội vàng tắt máy.

"Lỡ đi khám mà đúng như vậy thì sao? Vì vậy tôi tiếp tục chịu đựng thêm một thời gian dài trong lo sợ", N. kể lại.

Mãi đến khi được bạn bè khuyên nhủ, cô mới dám đến bệnh viện, nhưng vẫn suýt bỏ về vì quá hoảng sợ. Kết quả, N. được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang - bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Không chỉ riêng T.N., nhiều người hiện nay từ chối đi khám bệnh vì… sợ phát hiện ra bệnh. Tâm lý né tránh này thường bắt đầu từ những lý do có vẻ "hợp lý" như công việc bận rộn, chưa sắp xếp được thời gian, chỉ là dấu hiệu nhỏ, ngại chi phí… Thậm chí, nhiều trường hợp vẫn mua bảo hiểm y tế đều đặn hàng năm, nhưng chưa từng một lần dùng tới. 

Căn bệnh mang tên “sợ đi khám bệnh” - Ảnh 1.

Nhiều người có tâm lý sợ bệnh viện nên ngại thăm khám.

Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chính sự trì hoãn ấy sẽ khiến cho bệnh ngày càng phát triển. Đến khi bước vào giai đoạn nặng sẽ vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng điều trị khỏi thấp. Có những người cuối cùng vẫn đến bệnh viện - nhưng là trong tình trạng cấp cứu. Rất nhiều bệnh nhân của tôi đã cảm thấy hối tiếc vì không đến thăm khám sớm hơn".

"Người bệnh như tôi chỉ có một ước mơ…"

Lại Trọng Minh Trường (22 tuổi, Lâm Đồng), được chẩn đoán mắc bệnh hiếm Tiểu huyết sắc tố kịch phát ban đêm - căn bệnh với khả năng chữa khỏi gần như bằng 0.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, giờ đây anh phải truyền máu định kỳ để duy trì sức khỏe. Anh kể lại: "Khi ấy tôi thường xuyên chóng mặt sau khi chạy bộ và nước tiểu bất thường. Nhưng tôi chỉ nghĩ do mình ăn uống không điều độ và hay thức khuya. Đến khi bạn bè nhắc nhở da tôi vàng hơn, tôi mới đi khám và phát hiện bệnh".

Trường cho hay bệnh của anh phát hiện ở giai đoạn sớm, nên vẫn có thể kiểm soát được các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. 

Anh chia sẻ: "Trước đây tôi muốn làm những điều lớn lao. Nhưng bây giờ, người bệnh như tôi chỉ có một ước mơ, là mỗi sáng thức dậy thấy mình vẫn khỏe mạnh bình thường, vẫn được đến lớp nói chuyện với thầy cô bạn bè".

Căn bệnh mang tên “sợ đi khám bệnh” - Ảnh 2.

Trì hoãn khám bệnh khi có dấu hiệu bất thường sẽ bỏ lỡ “giai đoạn vàng” để điều trị.

Theo chuyên gia, khi cơ thể có những dấu hiệu nhỏ nhưng kéo dài như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, khó thở, mất ngủ… nên chủ động thăm khám để sớm phát hiện bệnh và điều trị.

Với rất nhiều người, vào bệnh viện không đồng nghĩa với điều tồi tệ nhất. Ngược lại, đó là khởi đầu cho một hành trình sống chủ động, hiểu và yêu cơ thể mình hơn mỗi ngày.

Nên chủ động khám sức khỏe định kỳ

Theo thống kê của Bộ Y tế, phần lớn người Việt chỉ đến bệnh viện khi có dấu hiệu rõ rệt hoặc ở giai đoạn nặng. Trong khi đó, khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần giúp tầm soát kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn, phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa, bệnh mãn tính hay vấn đề về tim mạch, gan, thận...

Căn bệnh mang tên “sợ đi khám bệnh” - Ảnh 3.

Chủ động khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.

Nguyễn Khánh Ly, sinh viên năm cuối, từng khá thờ ơ với sức khỏe vì nghĩ mình còn trẻ. Sau lần khám sức khỏe định kỳ, cô phát hiện một số bất ổn và bắt đầu thay đổi thói quen sống.

"Khám sức khỏe định kỳ giúp tôi hiểu rõ sức khỏe của bản thân hơn. Tôi bắt đầu chú ý đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vận động hàng ngày. Với tôi, đầu tư cho sức khỏe là khoản đầu tư không bao giờ lỗ", Khánh Ly cho hay.

Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ: "Khám sức khỏe giúp chúng ta phát hiện được bệnh sớm, đồng thời có thể trị bệnh triệt để, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị. 

Ngoài ra, khám sức khỏe đều đặn còn giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh nặng như huyết áp cao, đường huyết bất thường, mỡ trong máu… từ đó chúng ta có cơ sở để thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt sao cho phù hợp".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục