Can thiệp mạch máu khi bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo

Linh Chi, icon
06:55 ngày 09/08/2018

VTV.vn - Bệnh nhi là bé gái 15 tuổi, trú tại quận 9, TP.HCM vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị thành công phình mạch máu não.

Hình ảnh trước can thiệp.

Hơn 1 năm trước, em bị đau đầu dữ dội, và qua khảo sát hình ảnh ghi nhận phình mạch khổng lồ của 2 động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Đây là vị trí cực kì nguy hiểm và nhạy cảm, cung cấp máu cho vùng thân não - khu vực chỉ huy cao cấp của não bộ.

Sau nhiều lần hội chẩn, bệnh nhi đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Bệnh nhân được đặt 1 stent chuyển dòng ở động mạch đốt sống bên phải để đảm bảo duy trì dòng máu lưu thông cho vị trí này. Đồng thời, dùng vòng xoắn kim loại để tắc động mạch đốt sống trái đoạn có túi phình, ngăn ngừa túi phình vỡ, gây xuất huyết nguy hiểm.

Ca can thiệp đã diễn ra thành công cả về mặt lâm sàng và hình ảnh học, túi phình gần như được tắc hoàn toàn, máu lưu thông tốt và bệnh nhi không có biến chứng.

Can thiệp mạch máu khi bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo - Ảnh 1.

Hình ảnh sau can thiệp nội mạch.

Hơn 1 năm sau xuất viện, kết quả hình ảnh học cho thấy túi phình ngày càng lớn hơn, chèn ép vào thân não.

Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định làm tắc luôn động mạch đốt sống đoạn mang túi phình bên còn lại. Tuy nhiên, nguy cơ rất cao, bởi những thông nối từ mạch máu tuần hoàn phía trước có thể sẽ không đủ .

Sau khi giải thích tường tận và được sự đồng ý từ gia đình, các bác sĩ đã tiến hành mọi can thiệp trong khi bệnh nhi vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn 2 bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Đồng thời, đặt Coil để tắc hoàn toàn động mạch đốt sống bên phải đoạn mang túi phình. Sau hơn 1 giờ thực hiện, qua trình can thiệp kết thúc, bệnh nhi vẫn tỉnh táo, vẫn cử động, nói chuyện được.

Sau hơn 1 tuần theo dõi, bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân.

Đây là lần đầu tiên một bệnh nhi được can thiệp mạch máu khi đang hoàn toàn tỉnh táo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Việc để bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo giúp ekip có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của cháu trong suốt quá trình can thiệp. Nhờ đó, các bác sĩ có thể đưa ra những phương án can thiệp tối ưu nhất. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục