Cẩn trọng dịch "kép": Sốt xuất huyết, COVID-19 và bệnh mùa Thu Đông

P.V, icon
09:00 ngày 15/10/2021

VTV.vn - Mối lo ngại về "dịch bệnh kép’’ được các chuyên gia y tế đưa ra trong tình trạng Sốt xuất huyết và virus SARS-CoV-2 bùng phát diện rộng, kèm theo đó các bệnh mùa thu đông.

Trẻ thăm khám bệnh với ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Vào 20h thứ Sáu, ngày 15/10/2021, ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội và BS Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM sẽ tham gia chương trình tư vấn trực tuyến "Sốt xuất huyết: Phát hiện sớm & điều trị hiệu quả, tránh nguy cơ dịch chồng dịch" do Báo điện tử VTV phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức.

Cẩn trọng dịch kép: Sốt xuất huyết, COVID-19 và bệnh mùa Thu Đông - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết vào mùa, nguy cơ "dịch chồng dịch"

Theo các chuyên gia, giai đoạn từ nay đến hết tháng 1/2022 là cao điểm của các bệnh mùa thu đông, cùng dịch sốt xuất huyết với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Cộng với dịch Covid-19 đang hoành hành, tiềm ẩn nguy cơ "dịch chồng dịch".

Từ cuối tháng 9, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều người nhập viện chậm trễ do giãn cách, sợ Covid-19, ngại đi khám, khiến bệnh trở nặng. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 50.400 ca mắc, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ sức đề kháng non yếu, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Các chuyên gia cảnh báo: đừng chủ quan với bệnh Sốt xuất huyết cùng các bệnh mùa Thu-Đông trong giai đoạn dịch Covid-19!

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tại khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong vòng hai tháng qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Có thời điểm 90% số ca điều trị nội trú là các trẻ mắc bệnh lý này. Đáng ngại hơn, trong đó có những trẻ bị sốt xuất huyết kèm theo một hoặc nhiều bệnh lý khác như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhọt da…"

Bé N.P.M (2,5 tuổi, ở quận Tân Bình, TP HCM) sốt cao 39 độ suốt 3 ngày liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, không kèm các dấu hiệu khác. Ngày thứ ba, bé được đưa đi BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám thì phát hiện trong họng nhiều vết loét, một biểu hiện của bệnh tay chân miệng và được chỉ định nhập viện.

Sau khi nhập viện một ngày, bé bị chảy máu chân răng và vẫn sốt cao liên tục. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị sốt xuất huyết có tụ dịch màng tim, màng phổi và tụ dịch trong ổ bụng. Như vậy bé M. bị mắc 2 bệnh đồng thời: sốt xuất huyết và tay chân miệng. Nhờ phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ nên đến ngày thứ 5, bé M. cắt sốt hoàn toàn và được xuất viện khỏe mạnh sau 7 ngày điều trị.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: "Một trong những nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ "đồng nhiễm bệnh" đó là bố mẹ không đưa trẻ đến viện ngay khi xuất hiện triệu chứng mà để ở nhà tự chữa trị trong những ngày đầu. Đây là giai đoạn hệ miễn dịch của trẻ suy yếu do đang nhiễm bệnh nên rất dễ bị các loại virus khác tấn công. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bố mẹ bỏ qua các biểu hiện quan trọng của bệnh, khiến trẻ không được điều trị đúng phác đồ nên bệnh tình trở nặng nhanh chóng".

"Đã có trường hợp bệnh nhân vừa nhiễm Covid-19 vừa bị sốt xuất huyết, hay có trường hợp một F0 đã khỏi bệnh có hiện tượng sốt tưởng bị tái nhiễm Covid-19 nhưng là bị sốt xuất huyết. Cũng có người sau chích ngừa vắc xin về bị nhiễm sốt xuất huyết lại tưởng bị vắc xin "hành". Vì vậy cần cẩn thận không bỏ sót các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, tránh chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, dẫn đến những hậu quả khó lường", bác sĩ Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho biết.

Đừng vì COVID-19 mà lơ là với sốt xuất huyết & bệnh mùa Thu - Đông

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa cho biết, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm không khí… thay đổi, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Mùa thu đông với mưa giông thường xuyên khiến độ ẩm tăng cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng mặt trời ít (có khả năng khử khuẩn) khiến virus tồn tại trong môi trường lâu hơn.

Bên cạnh Covid-19, nước ta vẫn phải đối mặt các căn nguyên gây bệnh hàng năm. Nếu chúng ta chỉ mải phòng, chống dịch Covid-19 và bỏ quên các nguy cơ căn nguyên bệnh khác, lơ là sốt xuất huyết và bệnh viêm đường hô hấp do virus như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella..., tình trạng ‘dịch chồng dịch’ mùa Thu-Đông hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, song song với chống dịch Covid-19, cần phải chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa, nhất là hiện nay đang vào mùa dịch sốt xuất huyết, nếu để bùng phát sẽ rất nguy hiểm.

Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Người lớn, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền, người có sức đề kháng kém… là những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh. "Hệ miễn dịch của trẻ càng yếu càng tăng nguy cơ ‘bệnh chồng bệnh’: vừa nhiễm sốt xuất huyết vừa kèm thêm nhiều bệnh lý khác. Giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh có thể trùng lắp nên rất khó để biết trẻ bị nhiễm virus sốt xuất huyết, virus SARS-CoV-2, nhiễm các loại siêu vi khác hay bị đồng thời nhiều bệnh. Đây chính là khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác bệnh", bác sĩ Kim Thoa cho biết.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với COVID-19, hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus.

"Phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì chúng có biểu hiện tương đồng. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, phụ huynh cần thực hiện test nhanh Covid-19 trước, nếu kết quả âm tính thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Còn nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời", bác sĩ Kim Thoa cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thoa, nếu trẻ nhiễm đồng thời COVID-19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị COVID-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng.

Cẩn trọng dịch kép: Sốt xuất huyết, COVID-19 và bệnh mùa Thu Đông - Ảnh 2.

Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang tái khám cho em bé bị đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng sau khi bé được xuất viện.

Sốt xuất huyết là bệnh lý do siêu vi gây nên, lây truyền qua muỗi chích. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục. Khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, bệnh có khả năng trở nặng, bệnh nhi có thể bị cô đặc máu hoặc có dấu hiệu xuất huyết. Lúc này, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan trong cơ thể trẻ như tổn thương não, tổn thương gan thận, giảm huyết áp đột ngột và tử vong.

Triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột lên 39 - 40 độ C trong 2 ngày đầu, bước sang ngày thứ 3 có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như da mặt, mặt trong cánh tay, vùng cổ... Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để tránh chồng chéo dịch bệnh, vừa phòng dịch Covid-19 vừa phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi sinh sống, làm việc, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi.

Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ cần sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, cho trẻ mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, nên thả cá để diệt lăng quăng. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đi khám ngay để kịp thời điều trị, chăm sóc bé đúng cách.

Với mong muốn mang đến cho các bậc cha mẹ những kiến thức khoa học để nhận biết bệnh sốt xuất huyết, bệnh Covid-19 cũng như các bệnh mùa thu đông nguy hiểm, từ đó có thể chăm sóc con đúng cách cũng như đưa trẻ đi thăm khám, điều trị kịp thời, tránh điều đáng tiếc xảy ra…, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến vào lúc 20h ngày 15/10/2021.

Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và Nhi khoa là ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội và BS Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM được phát trực tiếp trên Báo điện tử https://vtv.vn,  Báo Thanh niên, website vnvc.vn, tamanhhospital.vn.

Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn. Các kênh Youtube BVĐK Tâm Anh, VNVC, Báo Thanh Niên. Tiếp sóng trên fanpage Báo Thanh Niên và fanpage VnExpress.net của Báo điện tử VnExpress.

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi những thắc mắc liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, bệnh mùa thu đông và COVID-19 ở trẻ qua hộp thư điện tử suckhoe@vtv.vn, gọi điện đến tổng đài 1800 6858 (Hà Nội) và 0287 102 6789 (TP.HCM) hoặc gửi câu hỏi ngay tại các trang Fanpage này để được các chuyên gia tư vấn trực tiếp trong chương trình.

Quy tụ đội ngũ Giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp theo những tiêu chuẩn tiên tiến mà các bệnh viện lớn trên thế giới áp dụng, khoa Nhi thuộc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh khi đưa con đến khám chữa bệnh,.

Chuyên khoa Nhi, Hệ thống BVĐK Tâm Anh được trang bị hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế từ Hội đồng KSNK đến khoa KSNK và mạng lưới KSNK. Hệ thống này kiểm soát nhiễm khuẩn theo tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế và các hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức Kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế. Giám sát chặt chẽ quy trình vệ sinh tay, kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, phòng tránh lây nhiễm chéo, tạo môi trường an toàn cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhi và nhân viên y tế.

Chuyên khoa Nhi, Hệ thống BVĐK Tâm Anh được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cùng hệ thống phòng khám, khu vực chức năng và phòng nội trú tiện nghi, cho trẻ cảm giác thoải mái khi đến điều trị bệnh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục