Cảnh báo nguy hiểm khi chó pitbull tấn công người

P.V, icon
08:00 ngày 25/03/2019

VTV.vn - Những vụ việc chó pitbull tấn công người gần đây đang gióng lên cảnh báo người dân cần thận trọng khi nuôi loại chó này.

Hình minh họa (Ảnh: accidentinjuryattorneyaz.com)

Gần đây nhất là trường hợp một bé gái 2 tuổi tại Hà Nội bị chó pitbull giật đứt xích lao vào tấn công. Sự hung giữ của con chó này khiến người dân xung quanh đã phải dùng xà beng để đánh chết mới có thể giải cứu được em bé.

Gia đình cho biết: con gái mình nhập viện với tình trạng nhiều vết cắn sâu ở đùi, khiến bé bị rạn xương. Các bác sĩ đã ngay lập tức phẫu thuật, bó bột và tiêm phòng dại cho cháu. Dự kiến phải 1 tháng theo dõi và điều trị nữa, bé mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Cách đây chưa lâu, vào đầu tháng 12/2018, một trường hợp chó pitbull khác tấn công người cũng xảy ra tại Hà Nội. Một người đàn ông 58 tuổi khi đi dạo quanh hồ Định Công bất ngờ bị chó pitbull nặng gần 30kg lao xuống cắn, kéo xuống mép hồ dù đã được người dân ngăn cản.

Người đàn ông này được đưa vào bệnh viện cấp cứu với vết thương lớn dài 15cm ở mông phải, các bác sĩ đã phải khâu lại cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, ngoài những tổn thương do bị chó cắn gây ra thì nguy cơ mắc bệnh dại, đe dọa đến tính mạng cũng rất cao. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu đối với người bị chó cắn có vai trò vô cùng quan trọng.

Dưới đây là những sơ cứu ban đầu cần thiết nếu chẳng may bị chó cắn:

Vệ sinh vết cắn

Vệ sinh vết cắn là bước vô cùng quan trọng, nếu bạn xử lý không đúng cách hoặc không kịp thời có thể làm tăng thêm nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, nếu chẳng may bị chó cắn thì bạn cần nhanh tay thực hiện ngay bước sơ cứu sau.

- Đầu tiên, bạn phải tách rời phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn. Nếu vết cắn ở chân thì bạn có thể xắn quần lên hoặc dùng kéo cắt bỏ phần vải ngay vết cắn. Thao tác này sẽ giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương.

- Sau đó bạn phải nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Dùng nước ấm thì càng tốt. Bạn có thể sử dụng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng vết thương. Tuy nhiên, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra vết cắn

Sau khi vệ sinh sạch sẽ vết cắn xong thì lúc này bạn cần kiểm tra lại xem tình trạng vết cắn nặng nhẹ thế nào. Nếu chỉ là vết xước ngoài da hoặc vết thương nhỏ thì bạn có thể tự băng bó tại nhà.

Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp sau thì bạn cần phải đến bệnh viện để điều trị hiệu quả hơn:

- Vết cắn sâu trên 2cm.

- Vết cắn gần vùng đầu, cổ hoặc bộ phận sinh dục.

- Sau 15 phút mà vết cắn chảy máu không ngừng.

- Có quá nhiều vết cắn.

Băng bó vết thương

Sau khi rửa sạch vết thương xong thì bạn nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là không nên băng quá chặt sẽ khiến máu khó lưu thông.

Trong trường hợp nếu vết thương khá sâu và máu chảy không ngừng thì sau khi sơ cứu băng bó vết thương xong, bạn phải nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh tình trạng mất quá nhiều máu.

Theo dõi con chó

Sau khi sơ cứu vết thương xong thì việc cần làm tiếp theo là xác định xem con chó đã cắn bạn là từ đâu đến. Việc này vô cùng quan trọng bởi nó là căn cứ để xác định xem bạn có nguy cơ bị phát dại hay không. Nếu đó là chó có chủ thì bạn cần yêu cầu chủ nhốt chó lại, một mặt là tránh tình trạng chó cắn người lung tung, hai là để tiện theo dõi tình trạng bệnh của con chó.

Tuy nhiên, nếu đây là chó hoang, chó lạ hoặc sau 15 ngày theo dõi, con chó bỗng phát bệnh và có dấu hiệu bất thường thì bạn cần đi gặp bác sĩ ngay để có phương pháp chữa trị kịp thời.

Những trường hợp nguy cấp cần đi tiêm phòng ngay:

- Đã xác định được con chó cắn bạn là chó đang phát bệnh. Biểu hiện chó phát bệnh thường có mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sùi bọt mép, trông buồn bã...

- Địa điểm bạn bị chó cắn gần hoặc nằm trong vùng đang có dịch bệnh chó mèo.

- Chó cắn bạn là chó hoang, chó lạ không thể theo dõi được.

- Vết cắn quá nặng, quá nhiều.

- Ngoài ra, nếu bạn là người đang mắc một trong những bệnh như tiểu đường, bệnh gan, ung thư, HIV thì cũng cần liên hệ với trung tâm y tế ngay để có hướng giải quyết kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục