Cảnh báo rối loạn tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên

P.V, icon
09:59 ngày 08/12/2020

VTV.vn - Thời gian gần đây, xuất hiện những trường hợp học sinh ở tuổi thanh thiếu niên tự tìm đến cái chết do gặp vấn đề trong cuộc sống gia đình hoặc áp lực học đường.

Những vụ việc tuy cá biệt, nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, đấy là hồi chuông cảnh báo về thực trạng rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Còn tại Việt Nam, một nghiên cứu từng cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8 - 29% ở trẻ em và vị thành niên, mà nguyên nhân chính là do áp lực học đường.

Cảnh báo rối loạn tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên - Ảnh 1.

TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Trong môi trường học đường có nhiều yếu tố bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những yếu tố nguy cơ, có thể dẫn đến phát sinh các rối loạn về tâm thần. Nguy cơ đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là các áp lực trong học tập, áp lực này có thể đến từ phía bố mẹ các em, thậm chí áp lực này cũng có thể đến từ bản thân các em. Ngoài ra là từ phía nhà trường, liệu các thầy cô có sự hỗ trợ động viên các em hay không?"

Có 1 thực tế là không ít phụ huynh coi những biến đổi tâm lý của trẻ em nhiều khi là do trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, chỉ đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng thì đã quá muộn. TS. BS Đỗ Minh Loan cho biết thêm: "Ở bệnh viện chúng tôi cũng đã gặp một vài trường hợp tự tử vì áp lực học tập. Có một số dấu hiệu mà chúng ta có thể thấy như buồn rầu, buồn bã, ngồi một chỗ, ít giao tiếp với bạn bè, các em cáu giận vô cớ. Sau đó nếu phát hiện con em mình tự dùng các phương tiện để tự làm tổn thương bản thân, cha mẹ cần phải ngay lập tức đưa con em mình đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời".

Cảnh báo rối loạn tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên - Ảnh 2.

Trẻ điều trị rối loạn tâm thần tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ em và vị thành niên sẽ giúp quá trình điều trị tâm lý cho các em hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bản thân các em cần được học các kỹ năng sống để biết cách giải quyết những vấn đề cá nhân. Bố mẹ và nhà trường cũng cần có những hiểu biết nhất định về sức khỏe tâm thần tuổi vị thành niên để đồng hành và hỗ trợ các em một cách phù hợp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục