Cảnh giác với ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K

Văn Thành, icon
07:07 ngày 02/07/2020

VTV.vn - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 75 tuổi trong tình trạng sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa.

Một loại thuốc diệt chuột kháng vitamin K có trên thị trường.

Bệnh nhân có tiền sử sa sút trí tuệ, cách 1 tháng, bệnh nhân cũng có một đợt xuất huyết tiêu hóa, được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới nhưng chưa rõ nguyên nhân xuất huyết và được cho ra viện.

Trước vào viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đi ngoài phân đen lẫn máu đỏ tươi, số lượng nhiều. Xét nghiệm cho thấy: Bệnh nhân có tình trạng mất máu cấp, thiếu máu rất nặng kèm theo rối loạn đông máu .

Khai thác thông tin từ gia đình được biết, ở nhà bệnh nhân có uống nhầm gói thuốc diệt chuột dạng kháng vitamin K- Super Warfarin, không rõ số lượng.

Bệnh nhân đã được hồi sức, truyền dịch tích cực, bù các chế phẩm máu, nội soi dạ dày và chuyển phẫu thuật để cầm máu ở ruột non. Trong quá trình nằm viện, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân vẫn tiếp diễn.

Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều chỉnh lại rối loạn đông máu. Sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định và được ra viện.

Tuy nhiên, do tác dụng của thuốc chuột kéo dài - có thể hàng tháng tới hàng năm nên sau khi về nhà, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc vitamin K lâu dài và theo dõi tình trạng đông máu định kỳ.

Theo các bác sĩ, warfarin là chất ức chế quá trình đông máu thông qua cơ chế ngăn chặn một enzyme được gọi là vitamin K epoxide reductase và nó kích hoạt vitamin K1. Không có đủ vitamin K1 hoạt tính, các yếu tố đông máu II, VII, IX và X không được tạo ra và sẽ làm giảm khả năng đông máu.

Khi uống nhầm thuốc diệt chuột kháng dạng super-warfarin, cơ thể sẽ bị rối loạn đông máu nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ chảy máu nhiều vị trí bao gồm chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc, chảy máu từ vết thương không thể cầm được. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết não, chảy máu tiêu hóa ồ ạt, chảy máu từ các tạng trong ổ bụng gây ra sốc mất máu tương tự như trường hợp lâm sàng mà chúng tôi trình bày ở trên.

Chính vì vây, nếu trong nhà có thuốc diệt chuột, cần để những vị trí xa tầm tay của trẻ em, người già. Tránh để gần với đồ ăn, thuốc uống vì rất dễ bị nhầm. Tránh để thuốc gần nguồn nước, đặc biệt là nước uống hoặc nước sinh hoạt bởi thuốc có thể hòa tan vào nguồn nước gây độc cho nhiều người.

Đồng thời, cần cảnh báo cho mọi người trong gia đình biết rằng đây là loại thuốc độc, không thể ăn hay uống được.

Ngoài ra, khi phát hiện người uống nhầm thuốc diệt chuột, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nhớ mang theo viên thuốc hoặc vỏ thuốc để có thể nhanh chóng xác định loại thuốc mà người bệnh uống nhầm. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế sớm trước 6 giờ, lúc đó các bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài.

Kể cả khi ra viện, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ y lệnh thuốc và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Vì thuốc diệt chuột có tác dụng rất dài, không phải khi bệnh nhân ra viện mà xem như đã hết tác dụng của thuốc. Nếu có các dấu hiệu như chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, đi ngoài ra máu… cần vào viện ngay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục