Chiến lược mới phòng chống COVID-19

Ban Thời sư, icon
05:54 ngày 09/05/2023

VTV.vn - WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh COVID-19. Các quốc gia hành động thế nào sau tuyên bố của WHO? Chính sách của Việt Nam ra sao?

Chiều 8/5, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã chính thức công bố với báo chí về tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới cách đây 3 ngày về việc đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Tuyên bố đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với đại dịch này. Một đại dịch đã kéo theo những đợt phong tỏa chưa từng có ở nhiều quốc gia, làm đảo lộn các nền kinh tế và khiến ít nhất 7 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có hơn 43 nghìn người Việt Nam tử vong. Sau đại dịch này, nhiều quan điểm, hoạt động, hành vi của con người và chính sách của các quốc gia đã phải thay đổi.

Giải thích về lý do WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, đại diện WHO cho biết, hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, tương tự số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm...

Dù vậy, WHO nhấn mạnh rằng, giai đoạn khẩn cấp đã qua nhưng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, số ca mắc tăng đột biến trong thời gian gần đây ở Đông Nam Á và Trung Đông. Hàng nghìn người vẫn qua đời vì virus mỗi tuần.

Chiến lược mới phòng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam những ngày gần đây.

Trước đó, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19 cho giai đoạn 2023-2025.

Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 một cách bền vững lâu dài hơn.

Đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt. COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay ít nguy hiểm hơn. Đây là khẳng định của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

WHO khuyến cáo: dù đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với dịch COVID-19, các quốc gia không nên vì tin tức này mà lơ là cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi thông điệp tới người dân rằng không có gì phải lo lắng về COVID-19. Và hiện các quốc gia cũng đang xây dựng những chiến lược mới ứng phó với COVID-19.

Như tại Nhật Bản, nước này cũng vừa chính thức hạ cấp độ dịch bệnh COVID-19 xuống cấp 5, tức là mức tương đương với cúm mùa. Quyết định này được đưa ra trên cơ sở tình hình dịch bệnh trong nước đã được cải thiện đáng kể, trong khi đó các biện pháp tiêm phòng cũng phát huy hiệu quả.

Chiến lược mới phòng chống COVID-19 - Ảnh 2.

Nhật Bản hiện đã hạ cấp độ dịch COVID-19 xuống cấp 5, tương đương với cúm mùa.

Hôm 7/5, Jordan cũng đã tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp do COVID-19 được ban hành gần 3 năm trước. Theo Bộ trưởng truyền thông Jordan Faisal Shboul, tuyên bố trên đồng nghĩa với việc cuộc sống sẽ trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch COVID-19 từ ngày 11/5 tới. Quyết định này khép lại việc tài trợ tốn kém cho các xét nghiệm COVID-19, tiêm vaccine miễn phí và các biện pháp khẩn cấp khác.

Dù WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã kết thúc, song một số quốc gia vẫn đề cao cảnh giác. Hiệp hội Y tế Malaysia hôm qua khuyến nghị nhà chức trách nên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 cũng như ưu tiên củng cố, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế trên khắp cả nước.

Tại cuộc họp báo đại diện WHO cũng đã đưa ra 7 khuyến nghị cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới việc tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới.

Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Chiến lược mới phòng chống COVID-19 - Ảnh 3.

Với tuyên bố của WHO mới đây, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi ra sao? Cùng trao đổi về vấn đề này với GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục