Cục An toàn thực phẩm lý giải vì sao chất axit benzoic được dùng trong sản xuất tương ớt ở Việt Nam?

P.V, icon
08:50 ngày 08/04/2019

VTV.vn - Liên quan đến lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản do chứa chất phụ gia, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông tin chính thức.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam, axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt. Tuy nhiên, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau; tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex.

Cục An toàn thực phẩm lý giải vì sao chất axit benzoic được dùng trong sản xuất tương ớt ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Tại Thông tư số 27/2012/TT - BYT ngày 30/11/2012 về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm được phép sử dụng axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) với hàm lượng tối đa 1.000mg/kg sản phẩm tương ớt.

Bà Trần Việt Nga cho biết thêm: Nhật Bản không cho dùng axit benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng axit benzoic trong các sản phẩm khác, ví dụ như: nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn...

Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1.000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Nhân đây, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng

Axit benzoic đã được biết đến là axit nằm trong nhóm chất bảo quản để chống hiện tượng mốc và sự phát triển sinh vật trong thực phẩm. Tuy nhiên nếu lạm dụng quá nhiều, loại axit này sẽ có thể tác động tới hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene, chất gây ung thư và được khuyến cáo tránh hấp thu qua đường thở hoặc đường ăn uống.

Nếu axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng vượt mức cho phép, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với acid benzoic để giải độc. Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục